top

Chồng đòi bồi thường vợ khi phát hiện ‘nuôi con tu hú’

Thứ 4, 07-05-2025 | 17:34:58 admin

Việc yêu cầu bồi thường do "nuôi con người khác" vẫn có thể được chấp nhận nếu người chồng cung cấp được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. 

Đây là câu chuyện dở khóc dở cười khi phát hiện sự thật. Câu hỏi được đặt ra, nếu chúng ta rơi vào câu chuyện này thì xử lý thế nào?

Ông Nguyễn Tấn Hoà (57 tuổi ngụ Bình Thạnh) hỏi:

“Tôi kết hôn với vợ tôi được 15 năm và có 1 đứa con. Cuộc hôn nhân của chúng tôi có nhiều cách trở, suốt ngày khắc khẩu. Cứ nói chuyện là cãi nhau, không có tiếng nói chung, đã nhiều lần ly thân để nhìn lại nhưng không cải thiện. Vì vậy chúng tôi quyết định ly hôn. Con vợ tôi nuôi, còn tôi cấp dưỡng hàng tháng cho tới nay.


Ảnh PAP18.

Mới đây, con chúng tôi bị tai nạn giao thông, phải truyền máu, vô tình tôi mới biết suốt 15 năm qua mình "nuôi con người khác".

Giờ tôi phải làm gì để không phải thực hiện nghĩa vụ làm cha nữa, đồng thời có đòi bồi thường thiệt hại vì đã “nuôi con người khác” hay không?”.

Luật sư trả lời như sau:

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con; đồng thời, họ còn có quyền, nghĩa vụ thăm nom con.

Đối với trường hợp của ông Hoà vừa hỏi, trong trường hợp sau khi ly hôn, ông chồng phát hiện người con không phải là con của mình thì có thể thực hiện thủ tục pháp lý. Ông Hoà yêu cầu toà án xác định đứa trẻ đó không phải con mình theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình.

Đó là “Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”.

Như vậy, đối với trường hợp này ông Hoà có nghĩa vụ cung cấp được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu không thừa nhận con của mình.

Trong thực tiễn, kết quả xét nghiệm ADN từ cơ quan có thẩm quyền là một trong những bằng chứng phổ biến để chứng minh cho yêu cầu của người cha là có căn cứ và hợp pháp.

6 năm sau ly hôn thì phát hiện "nuôi con tu hú", người chồng được tòa hủy án phần con chung

Đây là 1 vụ án tại TAND Cấp cao tại TP.HCM. Toà này vừa công bố quyết định tái thẩm về việc ly hôn giữa nguyên đơn là bà vợ (31 tuổi) và ông chồng (39 tuổi, cùng ngụ tỉnh Vĩnh Long).

Theo đó, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự về phần con chung; giao hồ sơ cho TAND huyện Trà Ôn để xét xử lại theo đúng quy định pháp luật.

Theo nội dung vụ việc, bà vợ và ông chồng đăng ký kết hôn năm 2015, có 1 con chung. Năm 2017, TAND huyện Trà Ôn đã ban hành quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa bà vợ và ông chồng; bà vợ sẽ trực tiếp nuôi con chung; ông chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng…

Đến năm 2023, ông chồng bị bạn bè chế giễu cho rằng đã nuôi tu hú. Đứa con ông ta nuôi mấy năm qua chẳng giống ông tí nào, mà giống như tạc thằng bạn thân của ông. Nhiều lần bán tính bán nghi thì ông chồng cũng quyết định làm cho sáng tỏ.

Qua kết quả phân tích ADN thể hiện người con chung không phải con đẻ của ông nên làm đơn đề nghị toà xem xét lại quyết định theo thủ tục tái thẩm.

Cuối năm 2024, Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử tái thẩm theo hướng hủy một phần quyết định sơ thẩm nêu trên về phần con chung...

Kết quả phân tích ADN huyết thống

Tại phiên tái thẩm, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định:

Theo Kết quả phân tích ADN huyết thống do ông chồng cung cấp thì không cùng huyết thống cha - con. Đây là tình tiết mới (theo khoản 1 Điều 352 của BLTTDS) mà khi giải quyết vụ án thì tòa và đương sự không biết nên tòa mới căn cứ giấy khai sinh của cháu bé cũng như lời trình bày của các đương sự để ghi nhận cháu bé là con chung của họ.

Từ những phân tích trên, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy quyết định về phần con chung để TAND huyện Trà Ôn giải quyết lại phần bị hủy...

Ngoài ra, sự thừa nhận từ các bên chủ thể cũng có thể là căn cứ được Toà án xem xét khi giải quyết yêu cầu của đương sự.

Trên cơ sở phán quyết của toà án có hiệu lực pháp luật về việc các bên không tồn tại quan hệ cha - con, người cha sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ đối với người con.

Hiện nay, pháp luật hôn nhân và gia đình không ghi nhận cụ thể về yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại vì đã nuôi con người khác.

Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử từng có trường hợp toà án chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường từ nguyên đơn dựa vào lẽ công bằng.

Áp dụng ‘lẽ công bằng’ vụ chồng kiện vợ vì phải 'nuôi con tu hú'

Tại Hội thảo về nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng tại Trường ĐH Luật TP.HCM mới đây, một chánh án của TAND cấp quận tại TP.HCM đã dẫn chứng một bản án mà tòa vận dụng “lẽ công bằng” để giải quyết.

Đó là một bản án được tuyên vào năm 2021 của TAND 1 huyện tại tỉnh Phú Thọ về “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa ông chồng đi thưa bà vợ.

Hai người kết hôn năm 2009, sau 11 năm chung sống thì ly hôn nhau (năm 2020). Quá trình chung sống, họ có hai con chung. Cháu đầu sinh năm 2010, cháu sau sinh năm 2015. Ông chồng làm nghề lái xe. Bà vợ ở nhà nuôi con.
Do bà vợ không chung thủy nên cháu sinh năm 2015 không phải là con của ông chồng. Điều này ông chồng chỉ biết khi có kết quả giám định ADN do lối xóm nói cháu sinh 2015 không giống ông, mà giống ông hàng xóm.

Khi biết được sự thật ông chồng đã làm đơn xin ly hôn và kiện đòi bà vợ chi phí nuôi dưỡng “con tu hú” là 121 triệu đồng. Đó là tiền công chăm sóc và bồi thường tổn thất tinh thần.

Ông chồng cho rằng việc ông lấy vợ, sinh con là mục đích được hưởng lợi về tình cảm, cậy nhờ con khi tuổi già. Đứa con này không cùng huyết thống với ông mà ông lại phải nuôi dưỡng…

Tại toà bà vợ cũng thừa nhận người con này là con của người khác. Tuy nhiên, bà vợ nói sự việc này đã được ông chồng chấp nhận, ông cũng đồng ý nuôi con để làm phước. Ban đầu bà không đồng ý bồi thường vì trong thời kỳ hôn nhân ông chồng cũng có quan hệ ngoài luồng.

Sau đó, tại phiên tòa, bà vợ chấp nhận bồi thường cho ông chồng chi phí nuôi cháu sinh năm 2015 là 50 triệu đồng.

Người vợ vi phạm nghĩa vụ chung thủy, phải bồi thường

Một chánh án của TAND cấp quận tại TP.HCM cho biết “Việc ông chồng yêu cầu bồi thường chi phí nuôi dưỡng cháu sinh năm 2015 và bồi thường tổn thất về tinh thần vì cháu này không phải là con ruột là công bằng”.

Vị này cho biết thêm “Tại Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người vợ đã không tuân thủ nghĩa vụ chung thủy… nên có lỗi với chồng và phải bồi thường”.

Luật không quy định, án lệ chưa có nên áp dụng lẽ công bằng

HĐXX phiên toà hôm đó nhận định rằng, hiện chưa có án lệ về vụ việc tương tự, pháp luật không quy định đầy đủ trong trường hợp này. Tuy nhiên, quá trình chung sống, bà vợ đã vi phạm nghĩa vụ theo khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, dẫn đến vụ việc tòa án phải giải quyết.

Theo HĐXX, bà vợ không đưa ra được chứng cứ nào chứng minh rằng ông chồng chấp nhận nuôi con để làm phước. Do vậy, việc ông chồng yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần là có căn cứ. Thiệt hại về vật chất và tinh thần của ông chồng đương nhiên được mọi người trong xã hội thừa nhận, do vậy bà vợ phải có trách nhiệm bồi thường.

Về căn cứ bồi thường, ngoài khoản 1 Điều 584 BLDS thì tòa án còn áp dụng quy định chung theo Điều 3 BLDS và lẽ công bằng theo quy định của BLDS.

Theo HĐXX, hoạt động của con người là hoạt động có ý thức, mọi việc làm đều có mục đích. Ông chồng nuôi dưỡng, chăm sóc cháu sinh năm 2015 là để được hưởng lợi về mặt tình cảm và trông cậy lúc tuổi già, tuy nhiên mục đích ấy đã không đạt được. Vì vậy, người gây thiệt hại phải bồi thường là phù hợp với quy định chung của pháp luật và vì lẽ công bằng... Nên HĐXX buộc bà vợ bồi thường cho ông chồng hơn 96 triệu đồng.

“Nuôi con tu hú” thì được bồi thường nếu có chứng cứ

Việc tòa án áp dụng “lẽ công bằng” để giải quyết yêu cầu của đương sự phù hợp với nguyên tắc "tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng" và “lẽ công bằng” có khả năng được áp dụng khi thoả mãn quy định tại Điều 45 BLTTDS.

Dù pháp luật không có quy định cụ thể về vấn đề bồi thường thiệt hại trong trường hợp này, song yêu cầu đòi bồi thường của người chồng vẫn có khả năng được tòa án chấp nhận nếu người này cung cấp được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu bồi thường của mình là có căn cứ.

Minh Đức

BÌNH LUẬN & CHIA SẺ

Đang tải bình luận,....

Đọc thêm

Thứ 7 | 22/02/2020 | Lượt xem: 760 | Tác giả: admin

Nếu bên bán có đầy đủ căn cứ để chứng minh chữ ký của mình bị giả mạo, và tiến hành kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì hợp đồng chuyển nhượng đất lúc này sẽ bị Toà án tuyên vô hiệu do người ký không có thẩm quyền ký.

Nếu bên bán có đầy đủ căn cứ để chứng minh chữ...

Thứ 2 | 29/07/2024 | Lượt xem: 199 | Tác giả: admin

Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình ông bà và cháu; giữa cha mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau là hành vi bạo lực gia đình.

Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình...

Thứ 2 | 29/07/2024 | Lượt xem: 165 | Tác giả: admin

Cha có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi con bị bệnh tâm thần , đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình .

Cha có quyền yêu cầu tòa án giải quyết...

Thứ 2 | 12/08/2024 | Lượt xem: 1062 | Tác giả: admin

Nếu có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì chỉ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo. Sau 3 năm từ ngày công bố kế hoạch này mà không thu hồi đất hoặc không điều chỉnh thì người dân được đề nghị cấp phép xây dựng có thời hạn như cơ nới hay xây dựng mới trên phần đất có thổ cư.

Nếu có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện...

Chủ nhật | 15/12/2024 | Lượt xem: 132 | Tác giả: admin

Thừa kế tài sản là vấn đề thường gặp trong cuộc sống , tuy nhiên nhiều người còn nhầm lẫn các quy định pháp lý về việc này.

Thừa kế tài sản là vấn đề thường gặp trong cuộc sống...

Thứ 2 | 12/08/2024 | Lượt xem: 283 | Tác giả: admin

Chứng thực tại UBND cấp xã bất kỳ không phụ thuộc vào nơi đăng ký thường trú; Phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng.

Chứng thực tại UBND cấp xã bất kỳ không phụ thuộc vào...

Thứ 7 | 03/08/2024 | Lượt xem: 179 | Tác giả: admin

Nếu mẹ mất sau anh trai thì người e m sẽ được hưởng phần di sản là nhà đất của anh, phần di sản này thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Nếu mẹ mất sau anh trai thì người e m sẽ được hưởng phần...

Thứ 4 | 07/08/2024 | Lượt xem: 246 | Tác giả: admin

Được! Tuy nhiên, hợp đồng thế chấp phải công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật, đồng thời phải kiểm tra đất có tranh chấp không, phải còn thời hạn sử dụng đất và phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đấy đai.

Được! Tuy nhiên, hợp đồng thế chấp phải công chứng, chứng...

Thứ 4 | 07/08/2024 | Lượt xem: 232 | Tác giả: admin

Chẳng những hưởng được tài sản thừa kế của gia đình chồng mà còn hưởng được tài sản riêng, tài sản chung của chồng nữa.

Chẳng những hưởng được tài sản thừa kế của gia đình...

Chủ nhật | 15/03/2020 | Lượt xem: 782 | Tác giả: admin

Tôi cho thuê nhà nhưng khi hợp đồng hết hạn người thuê nhà không chịu trả lại nhà. Xin báo tư vấn tôi phải làm sao đòi lại nhà?

Tôi cho thuê nhà nhưng khi hợp đồng hết hạn người...