Việc xóa bỏ thuế khoán là bước chuẩn bị cần thiết để hộ kinh doanh phát triển lên thành doanh nghiệp, đó là lời của Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn.
Tại chia sẻ trước, tức Phần 1 với chủ đề “Ai phải chuyển sang hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền” trong series BỎ THUẾ KHOÁN mình chia sẻ vào hôm qua 8/6. Nói về MXH bàn tán xôn xao vì nhiều cửa hàng, sạp kinh doanh, ki ốt, quán ăn đóng cửa không buôn bán, không hoạt động vì sợ cơ quan thuế tới phạt vì chưa chuyển từ Thuế khoán sang Hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Hay nói cách khác, bỏ thuế khoán để chuyển sang hình thức tự kê khai và nộp thuế theo doanh thu thực tế.
Nhiều người cho rằng nguyên do bỏ Thuế khoán từ hộ kinh doanh vì Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 và Chính phủ ban hành Nghị định 70.
Với loạt chia sẻ này trong series BỎ THUẾ KHOÁN, tại Phần 2 với chủ đề “Tại sao phải bỏ thuế khoán để hộ kinh doanh lên doanh nghiệp”, chúng ta phải trả lời mấy câu hỏi như:
Bỏ thuế khoán có lợi gì? Ai có lợi? Chi phí có nhiều không? Nếu có, nhà nước hỗ trợ gì, giải pháp như thế nào?...
Chuyển biến tích cực cho khu vực kinh tế tư nhân
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị được ban hành vào ngày 4/5/2025 (cách đây 1 tháng 5 ngày), yêu cầu xóa bỏ hình thức thuế khoán với hộ kinh doanh chậm nhất trong 2026. Đồng thời, cơ quan thuế mở rộng cơ sở tính thuế qua việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Theo ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) nói, đây sẽ là bước chuẩn bị cần thiết để hộ kinh doanh phát triển lên thành doanh nghiệp, qua đó có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ và nguồn lực để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp theo Nghị quyết 68, gồm xóa bỏ thuế khoán, sẽ tạo ra chuyển biến rất tích cực cho khu vực kinh tế tư nhân.
Bởi vì khi môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, hộ kinh doanh được hỗ trợ để lớn mạnh, họ sẽ có thêm nhiều cơ hội vươn lên thành doanh nghiệp, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
Nhờ vậy, khu vực kinh tế tư nhân sẽ ngày càng phát triển về quy mô và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng nhất góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, việc bỏ thuế khoán chuyển sang hình thức tự kê khai và nộp thuế theo doanh thu thực tế, giúp phản ánh đúng năng lực kinh doanh, đảm bảo nguyên tắc "người nộp thuế tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm".
Việt Nam hiện có trên 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra 8-9 triệu việc làm, tương đương với khối công ty tư nhân. Thực tế, nhiều hộ kinh doanh quen với nộp thuế khoán nên chưa chú trọng ghi chép sổ sách, minh bạch doanh thu.
Khi bỏ thuế khoán, họ buộc phải thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ theo phương pháp kê khai hay doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Năm sau mới bỏ hoàn toàn thuế khoán, song theo Nghị định 70 của Chính phủ ban hành ngày 20/3/2025 (cách đây 2 tháng 19 ngày) thì bắt đầu từ ngày 1/6/2025, các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm thuộc một số ngành nghề hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (ăn uống, khách sạn, bán lẻ, vận tải hành khách, thẩm mỹ, vui chơi giải trí...) sẽ phải chuyển đổi trước.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế, đây là bước chuẩn bị để các hộ kinh doanh lớn dần làm quen với phương thức quản lý mới.
Mặc dù vậy, với nhiều hộ kinh doanh, đây không chỉ là thay đổi cách thức mà chi phí phát sinh cũng là một trong những lý do chính khiến hộ kinh doanh còn e ngại, né tránh. Dẫn tới nhiều hộ kinh doanh đóng cửa để nghe ngóng tình hình, nếu có bán thì bán lén lút hoặc bán online.
Sửa đổi luật để điều chỉnh ngưỡng doanh thu
Một chủ hộ kinh doanh đồ gia dụng cho biết: “Nếu phải mua máy tính, máy in hóa đơn, phần mềm, máy quét mã vạch... thì cũng mất vài chục triệu đồng. Trong thời điểm kinh doanh khó khăn, phải đầu tư nhiều thứ chúng tôi không kham nổi.”
Theo khảo sát tại một số địa bàn trong nước, một số nhà cung cấp có đưa ra giải pháp phần mềm miễn phí, nhưng thực chất không hoàn toàn miễn phí. Miễn phí ở đây là nếu hộ kinh doanh sử dụng trọn bộ phần mềm bán hàng của nhà cung cấp thì họ sẽ được miễn phí phần mềm lập hóa đơn điện tử, nhưng mỗi lần xuất hóa đơn vẫn phải trả tiền.
Theo ông Mai Sơn, nhận thức được những bỡ ngỡ ban đầu của hộ kinh doanh khi từ ngày 1/1/2026 chuyển đổi từ phương thức thuế khoán sang phương thức kê khai, ngành thuế đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ như hướng dẫn để hộ kinh doanh hiểu rõ lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử và tự kê khai thuế, cũng như các bước thực hiện cụ thể.
Cơ quan thuế cũng chủ động rà soát, nhắc nhở các hộ thuộc diện phải áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền thực hiện đăng ký và cài đặt hệ thống. Cơ quan thuế phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để có các chính sách hỗ trợ về thiết bị và chi phí dịch vụ cho hộ kinh doanh trong giai đoạn đầu triển khai (chẳng hạn hỗ trợ máy tính tiền, máy in hóa đơn, giảm phí dịch vụ kết nối...).
Để hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi đến 2026, ông Mai Sơn cho biết Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng để điều chỉnh ngưỡng doanh thu hàng năm không chịu thuế.
Điều chỉnh này nhằm bảo đảm hộ kinh doanh có doanh thu dưới một ngưỡng nhất định tiếp tục được miễn thuế, phù hợp với mức tăng của giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân. Qua đó bớt gánh nặng thuế cho hộ nhỏ và siêu nhỏ.
Bộ Tài chính cũng chủ trương đơn giản hóa tối đa chế độ sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ để các hộ kinh doanh dễ thực hiện.
Mục tiêu là giúp hộ kinh doanh quen dần với việc ghi sổ sách, xuất hóa đơn minh bạch nhưng không tạo ra quá nhiều thủ tục, chi phí.
Ngoài ra, Bộ tài chính cũng đang cải cách thủ tục và ứng dụng công nghệ trong quản lý thuế, giúp các hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ dễ dàng tuân thủ các quy định về thuế và kế toán, giảm thiểu sai sót và thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế.
Song song đó, chính quyền địa phương cũng được khuyến khích có phương án hỗ trợ về tài chính cho những hộ kinh doanh gặp khó khăn (hộ nghèo, vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện thiết bị) để giúp họ sớm áp dụng giải pháp này.
Mặt khác, cơ quan thuế sẽ tăng kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành và đơn vị liên quan để giám sát chặt hoạt động của hộ kinh doanh sau khi bỏ thuế khoán. Qua đó, họ cũng kịp thời phát hiện, nhận diện các trường hợp có rủi ro về thuế hoặc vi phạm pháp luật.
Như vậy, để trả lời câu hỏi bỏ thuế khoán có lợi gì? Ai có lợi? Chi phí có nhiều không, nếu có thì nhà nước hỗ trợ gì, giải pháp như thế nào?...
Vậy thì, bỏ thuế khoán có lợi gì? Đây là bước để các hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành doanh nghiệp nếu bỏ thuế khoán.
Ai có lợi? Hộ kinh doanh có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ và nguồn lực để mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo tích cực cho khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời nhà nước thu được nhiều thuế để phát triển đất nước.
Về chi phí trang bị thiết bị, nhà nước hỗ trợ gì, giải pháp thế nào… nhà nước đang áp dụng các chính sách hỗ trợ về thiết bị và chi phí dịch vụ cho hộ kinh doanh trong giai đoạn đầu triển khai. Đồng thời Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng để điều chỉnh ngưỡng doanh thu hàng năm không chịu thuế.
Tuy nhiên, với nhiều hộ kinh doanh, đây không chỉ là thay đổi cách thức mà chi phí phát sinh cũng là một trong những lý do chính khiến hộ kinh doanh còn e ngại, né tránh, không mặn mà với việc bỏ thuế khoán. Bởi vì nhà nước nói hỗ trợ chi phí thiết bị nhưng chưa hộ nào nhận được gói hỗ trợ đó, chỉ được hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ mà thôi.
Các bạn có ý kiến như thế nào thì bình luận bên dưới.
Trong series BỎ THUẾ KHOÁN này, lần sau tức Phần 3 mình sẽ chia sẻ chủ đề “Hộ kinh doanh nộp thuế ra sao khi bỏ thuế khoán”.