Với hàng loạt chiêu trò tinh vi, cò đất không chỉ thổi giá mà còn tạo ra những "cơn sốt ảo" khiến nhiều người lâm vào cảnh "cắn ớt", nhóm đầu cơ thì “quăng bom” khi bong bóng bất động sản vở.
Nếu như tâm lý "đón đầu quy hoạch" là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư lao vào "cơn sốt đất" như con thiêu thân thì cò đất, cò mồi và đầu nậu chính là những người khuấy động thị trường, biến những khu vực vốn bình lặng trở thành điểm nóng giao dịch.
Với hàng loạt chiêu trò tinh vi, cò đất, cò mồi và nhóm đầu cơ không chỉ “thổi giá” mà còn tạo ra những "cơn sốt ảo" khiến nhiều người lâm vào cảnh "ôm bom", “cắn ớt” khi bong bóng vỡ, giá đất tuột dốc không phanh.
Chiêu "thổi giá" của cò mồi, cò đất
Một trong những chiêu thức phổ biến của cò đất và nhóm đầu nậu là tổ chức những màn mua bán giả tạo nhằm kích thích tâm lý đám đông (FOMO). Họ thường rủ nhau đến các khu đất đang sốt, dựng lên cảnh tượng giao dịch nhộn nhịp như: tập trung người xem đất đông đúc, tạo ra không khí giao dịch cực gấp, liên tục hỏi giá, chốt cọc ngay tại chỗ.
Với vai trò là 1 nhà đầu tư, đi theo một cò đất chuyên nghiệp, chị Tâm nói đã quen thuộc các câu như "miếng này có người đặt cọc rồi nhưng chị chồng tiền nhanh em nhượng lại giá tốt", hay "chị chậm tay là mất cơ hội đó, sáng giờ em chốt mấy lô rồi" hay “mua đi, tui mới chốt 2 lô kế bên, về ở mình làm hàng xóm”… khiến khách hàng như chị Tâm cảm thấy thị trường đang cực kỳ sôi động, mua vào là có lời ngay.
Đáng nói hơn, khi nắm được tâm lý khách muốn "kết” lô này, các cò lại nói chủ đất đang có biểu hiện "quay xe", nếu không cọc nhanh thì sẽ không được giá như trước. Khiến không ít nhà đầu tư tay ngang, tay mơ vì lo sợ bỏ lỡ cơ hội liền vội vã xuống tiền, mà không kịp kiểm chứng thực tế.
Có khách tỉnh táo hơn thì chậm lại 1 nhịp, tạm dừng giao dịch để nghe ngóng. Nhưng ngày hôm sau, khách đó vào mấy group mua bán bất động sản thì thấy dòng "đã bán” với giá cao hơn. Làm cho khách càng nảy sinh tâm lý tiếc nuối, lại vội vã xuống tiền mua lô cạnh đó với giá cao hơn.
Họ không biết rằng phần lớn những giao dịch họ chứng kiến thực chất chỉ là một màn kịch được dàn dựng chuyên nghiệp giữa các cò đất, cò mồi và các đầu nậu, nhằm đẩy giá đất lên cao một cách nhanh chóng, tinh vi để lùa “thượng đế” vào bẫy.
Bên cạnh việc tạo hiệu ứng mua bán, cò đất, cò mồi và đầu nậu còn sử dụng chiêu tung tin đồn về các dự án hạ tầng lớn, nhằm kích thích nhà đầu tư, tạo thị trường “ảo bung chảo”.
Những thông tin như "việc sáp nhập tỉnh Tây Ninh với tỉnh Long An, trung tâm hành chính đặt tại TP Tân An, đất Tân An như Sài Gòn", hay "Tuyến đường cao tốc đang khởi công chạy lên cửa khẩu Campuchia", hay "Đã có thiết kế dự án xây dựng Metro để kết nối đất bạn Campuchia".
Chưa hết, các cò đất và đầu nậu còn quăng: "Đã có thông tin về dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, thể thao và sân golf cao cấp sẽ đầu tư tại TP Tân An”… những thông tin kiểu này thường xuyên xuất hiện trên các hội nhóm bất động sản để “lùa gà”.
Như vậy, chỉ sau vài tuần kể từ khi có thông tin đề xuất sáp nhập tỉnh, thì giá đất trên địa bàn TP Tân An, kể cả các địa phương lân cận như huyện Thủ Thừa, huyện Tân Trụ (cũ) đã bị đẩy lên rất cao, có nơi tăng tới 40%.
Những tin đồn này có thể được lan truyền từ chính cò đất hoặc từ các nhóm đầu cơ có tổ chức. Họ sẵn sàng cắt ghép các bài báo cũ rồi thổi phồng lên như một sự kiện sắp diễn ra.
Những nhà đầu tư nhẹ dạ, những “thượng đế” cả tin, nghe thấy viễn cảnh đất tăng giá mạnh trong tương lai liền đổ xô xuống tiền mà không kiểm tra thông tin chính thống từ cơ quan quản lý địa phương. Chỉ khi "cơn sốt" hạ nhiệt, các “thượng đế” mới nhận ra mình đã bị cuốn vào một cuộc chơi mà nhà cái nắm kết quả từ trước.
Không chỉ riêng cò đất nhỏ lẻ, nhiều nhóm đầu cơ có tổ chức còn thực hiện chiến lược "bơm tin-gom hàng-xả hàng" để trục lợi.
Đó là, khi phát hiện một khu vực có tiềm năng tạo sốt, họ sẽ âm thầm thu gom đất với mức giá cực thấp vì thông thường là đất nông nghiệp. Sau đó, họ liên tục tung tin đồn, thuê cò đất, cò mồi làm thị trường khu đất ấy sôi động, đẩy giá lên cao chót vót trong thời gian ngắn để “lùa gà”.
Khi thị trường giá đạt đỉnh, họ bắt đầu âm thầm quăng mìn cho gà ôm, thu về số lợi nhuận khổng lồ từ “thượng đế” lôm côm, ngớ ngẩn.
Lao vào "cơn sốt", ôm bom chịu trận
Tại một Phòng công chứng ở TP Tân An (tỉnh Long An cũ), ngày 20/4/2025, ghi nhận lượng giao dịch liên quan đến bất động sản tăng mạnh, người dân, nhà đầu tư và môi giới đông nườm nượp từ sáng tới tối. Văn phòng còn trang bị cả máy đếm tiền phục vụ thượng đế.
Anh Trần Thanh Mẫn (ngụ TP.HCM) một nhân viên văn phòng, chưa từng đầu tư bất động sản nhưng vì thấy nhiều người kiếm lời quá dễ dàng, nên anh quyết định thử vận may.
Thổi giá đất ảo.
Anh Mẫn nói: "Tôi thấy bạn bè xung quanh ai cũng mua đất, bảo nhau cứ mua là có lãi, giá tăng từng ngày. Bạn tôi cũng làm văn phòng như tôi vừa bán được 2 lô ôm trước đó lãi 2 tỷ, lại gom tiền ôm tiếp 2 lô to hơn ở Tân An này.
Nay tới ngày các tỉnh bắt đầu sáp nhập, tôi gom hết tiền tiết kiệm và vay thêm để mua hai lô đất ở huyện Thủ Thừa, một lô giá 1,7 tỷ đồng, 1 lô giá 1,9 tỷ đồng, hy vọng đất nơi đây sẽ tăng vì người dân khắp nơi sẽ tới đây nhiều hơn".
Thế nhưng, mới chưa đầy một tuần sau khi xuống tiền, anh Mẫn bần thần đứng ngồi không yên khi thấy thị trường bắt đầu trầm lắng. Hỏi dò môi giới cũ, muốn nhờ gửi để lướt nhanh khi còn đỉnh sóng, anh nhận được lời nói phũ phàng, chưa thể giúp anh với giá có lợi nhuận như lời chào hứa ban đầu, vì hiện giờ lượng khách hỏi đang có dấu hiệu giảm.
Bỗng nhiên anh Mẫn lo lắng, bất an bởi tiền vay ngân hàng vẫn phải trả hằng tháng mà đất thì cứ nằm đó, biết bao giờ lại có sóng để mà lướt. Đành gồng mình đóng lãi ngân hàng, chờ xem có “ma da” nào xấu số để thế mạng.
Những nhà đầu tư đến sau, không kịp nhận ra rằng mình đang tham gia vào một trận cầu đã được sắp sẵn tỷ số. Họ chỉ biết lao vào mua đất với hy vọng giá sẽ còn tiếp tục tăng. Nhưng khi nhóm đầu cơ đã rút lui, thị trường chững lại, thanh khoản giảm mạnh, họ mới ngỡ ngàng nhận ra mình đang cầm trên tay những lô đất với giá trị ảo, khó có thể bán ra nếu không chịu cắt lỗ để chạy trước.
Cay đắng hơn, tội cho những khách hàng tới sau nữa, lại nghe cò hét giá, nói đã down xuống cực sốc rằng: “ông A đang nợ ngân hàng đuối lắm”, “đất đang ngộp” “đang thở oxy”, “khách yêu ôm vô là lượm”… Thượng đế mới tưởng “kèo thơm”, ai dè toàn là “xương và xí quách”. Còn cò thì chỉ tốn ít nước bọt, lượm 2% rồi “bấm nút”.
Như vậy, nếu như tâm lý "đón đầu quy hoạch" là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư lao vào "cơn sốt đất" như con thiêu thân thì cò đất và các đầu nậu chính là những người khuấy động thị trường, biến những khu vực vốn bình lặng trở thành điểm nóng giao dịch.
Với hàng loạt chiêu trò tinh vi, cò và nhóm đầu cơ không chỉ thổi giá mà còn tạo ra những "cơn sốt ảo" khiến nhiều người lâm vào cảnh "ôm bom", “cắn ớt”. Sự việc bùng nổ khi bong bóng bất động sản vỡ, giá đất lúc đó tuột dốc không phanh, bán cắt lỗ thì thương, còn ôm thì tội.
Tội vì mang nợ xấu với ngân hàng, rồi thất hứa gia đình, bạn bè, người thân do chôn tiền vào ông thần đất.
Ở bài sau, chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ về hậu quả của việc cò “thổi giá đất ảo”, đầu nậu “quăng bom” là như thế nào? Pháp lý diễn ra ra sao? Chính quyền địa phương thì làm gì với những hoạt động đó?