Mang trang sức vượt quá 300g hoặc dưới 300g nhưng giá trị trên 300 triệu đồng mà không có giấy tờ thì có thể bị tịch thu hoặc phạt hành chính.
Rapper Mỹ bị câu lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất vì đeo quá nhiều vàng
Sự việc diễn ra vào năm 2019, khi 1 Rapper Mỹ kết thúc chuyến biểu diễn tại Sài Gòn và lên đường bay đến Macau, Trung Quốc để tiếp tục lịch trình diễn ca nhạc.
Nam nghệ sĩ người Mỹ kể lại anh đã bị hải quan Tân Sơn Nhất giữ lại trong khoảng 6 giờ do số trang sức mà ngôi sao này đeo trên người vượt quá quy định. Anh này cho biết bản thân không biết là phải khai báo với hải quan vì mang trang sức vượt quá quy định.
Trong quá trình kiểm tra, hải quan phát hiện số vàng mà Rapper này đeo lên người có giá trị hơn 400.000 USD (hơn 9,2 tỷ đồng), vì vậy đã bị giữ lại sân bay. May mắn là anh ta gọi cho Lãnh sự quán Mỹ để được giúp đỡ. Sau đó được trả lại số trang sức và không bị xử phạt.
Tuy nhiên, anh ta phải mua vé khác tới Macau để kịp lịch trình diễn đã hẹn sau 6 tiếng bị câu lưu.
Lý giải cho việc tại sao khi nhập cảnh vào Việt Nam anh ta không bị hải quan cửa khẩu kiểm tra? Anh ta cho biết mình đi đường ưu tiên nên không có ai “để ý”. Tuy nhiên, khi xuất cảnh qua cổng an ninh của sân bay Tân Sơn Nhất thì bị chặn lại. May mà anh vẫn đáp được chuyến bay tới Macau sớm 2 tiếng trước giờ lên sân khấu.
Qua câu chuyện trên, ông Nguyễn Văn Thắng (50 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) hỏi:
Tôi rất thích đeo trang sức, đặc biệt làm bằng vàng vì có nhiều người nói tôi làm vậy sẽ hợp tuổi. Sắp tới tôi đi du lịch nhiều nước ở châu Âu, cho hỏi mỗi người mang được bao nhiêu trang sức? Nếu mang lố bị phạt hay bị tịch thu?
Được mang bao nhiêu trang sức đi nước ngoài?
Giải đáp băn khoăn của nhiều người, theo Điều 2 Thông tư 11/2014/TT-NHNN có quy định về việc mang vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu như sau:
Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài khi xuất, nhập cảnh bằng hộ chiếu đều bị cấm mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu. Riêng đối với trường hợp cá nhân nước ngoài nhập cảnh mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu, phải thực hiện một trong hai lựa chọn: Gửi tại kho Hải quan để mang ra khi xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài. Cá nhân phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh trong cả hai trường hợp trên.
Trường hợp vàng trang sức, mỹ nghệ như dây chuyền, nhẫn, vòng, hoa tai,.. được phép mang theo khi xuất, nhập cảnh với điều kiện tổng khối lượng không vượt quá 300g hoặc giá trị không quá 300 triệu đồng. Nếu vượt quá, cá nhân phải khai báo với cơ quan Hải quan để thực hiện các thủ tục kiểm tra theo quy định.
Dựa theo quy định nêu trên, có thể thấy pháp luật Việt Nam hiện không giới hạn số vàng trang sức mang theo ở chặng bay quốc tế, trong trường hợp nhập cảnh, chỉ giới hạn vàng trang sức, mỹ nghệ không được vượt quá mức là 300g hoặc giá trị không quá 300 triệu đồng và cần làm thủ tục gửi tại kho hải quan theo quy định.
Không được mang vàng nguyên liệu qua biên giới
Giữa năm 2022, khi lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát tại cửa khẩu thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang thì phát hiện 1 phụ nữ người Campuchia đeo túi xách từ hướng Campuchia sang Việt Nam có biểu hiện nghi vấn.
Kiểm tra bên trong túi xách, lực lượng phát hiện nhiều vàng, bạc. Số vàng, bạc này có tổng trọng lượng là 982g, trị giá trên 865 triệu đồng. Người phụ nữ khai em dâu nhờ mang vàng sang Châu Đốc (An Giang) bán giùm.
Với các chứng cứ trên, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án.
Tại toà, người phụ nữ người Campuchia thừa nhận toàn bộ hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, phù hợp với diễn biến nội dung vụ án. Tuy nhiên bị cáo cho rằng, bản thân không am hiểu quy định của pháp luật Việt Nam, sau khi bị bắt giữ thì mới biết mình vi phạm.
HĐXX nhận định, bị cáo phải chịu trách nhiệm về tổng khối lượng kim loại vàng, bạc bị thu giữ trên. Hành vi của bị cáo là nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nên cần phải tịch thu, sung công quỹ nhà nước.
Hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” quy định tại Khoản 3, Điều 189 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, bản thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; trong quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội, ăn năn hối cải.
Vì vậy HĐXX tuyên phạt bị cáo phải chịu mức án 5 năm tù, đồng thời tịch thu số vàng vi phạm.
Đó là vụ án đã xảy ra cách đây 3 năm.
Căn cứ Điều 3, Thông tư số 11/2014/TT-NHNN thì cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới không được mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Trường hợp cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới được đeo trên người vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trang sức như các loại: nhẫn, dây, vòng, hoa tai, kim cài và các loại trang sức khác; trường hợp tổng khối lượng từ 300g trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan.
Như vậy, pháp luật Việt Nam quy định cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài khi xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành hay chứng minh thư đều không được mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng.
Mang nhẫn kim cương khi ra nước ngoài có phải khai báo?
Cuối năm 2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an TP.HCM nắm thông tin về hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa kim cương, không khai báo Hải quan tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có nguồn gốc từ Ấn Độ nên đeo bám.
Qua đó, công an làm rõ 1 người đàn ông quốc tịch Ấn Độ đã cất giấu kim cương trong hành lý ký gửi, trong xách tay, trong người để qua mặt quá trình kiểm soát của lực lượng chức năng. Sau khi vận chuyển trót lọt kim cương, đối tượng bán lại cho các chủ hàng người Việt Nam trên địa bàn TP.HCM nhằm thu lợi bất chính.
Cụ thể, Phòng PC03 chủ trì phối hợp với Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, kiểm tra nam hành khách nhập cảnh từ Ấn Độ đi qua luồng xanh (không khai báo).
Qua soi chiếu, cơ quan chức năng phát hiện trong vali của người này có nhiều tập giấy nhỏ và 10 gói nylon chứa nhiều hạt nhỏ nghi vấn kim cương được cất trong ví để lẫn cùng quần áo tư trang.
Người này khai mang 716 viên kim cương tự nhiên và nhân tạo từ Ấn Độ vào Việt Nam để giao cho khách nhưng không khai báo hải quan, trị giá hàng chục tỷ đồng.
Như vậy, Công an TP.HCM đã giữ người đàn ông nói trên để điều tra về hành vi “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 35/2013/TT-NHNN thì Mức giá trị của ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng phải khai báo hải quan.
Mức giá trị của kim loại quý, đá quý (trừ vàng) là 300.000.000 đồng, trong đó đá quý gồm có kim cương.
Như vậy, đối với đá quý là kim cương có giá trị 300.000.000 đồng trở lên khi mang ra nước ngoài phải làm thủ tục khai báo với hải quan. Trường hợp nhẫn kim cương có giá trị thấp hơn 300.000.000 đồng thì không cần phải làm thủ tục khai báo với hải quan.
Còn bà Nguyễn Phương Hằng (CEO Công ty Đại Nam), không biết bằng cách nào mà chuyển được nhiều kim cương, trong đó có chiếc nhẫn 45 carat qua đảo Síp để livestream. Nghe nói tổng giá trị bộ trang sức của vị CEO này mang trên người gần 2.000 tỷ đồng. Vụ này để cơ quan chức năng tìm hiểu….
Mang trang sức “lố” phải khai báo
Trường hợp mang vàng hơn khối lượng trên, cần làm đầy đủ giấy phép theo giám đốc chi nhánh NHNN cấp tỉnh, thành phố nơi cá nhân cư trú, để trình báo với cơ quan hải quan.
Như vậy, người Việt Nam hay nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới được đeo trên người vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trang sức như các loại: nhẫn, dây, vòng, hoa tai, kim cài và các loại trang sức khác.
Nếu tổng khối lượng trang sức, vàng bạc, đá quý mang theo từ 300g (tương đương khoảng 8 lượng vàng) trở lên, phải khai báo với cơ quan hải quan và xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Mang trang sức không khai báo sẽ bị tịch thu hoặc phạt hành chính
Theo quy định này, khi cá nhân nhập cảnh Việt Nam mang kim loại quý, đá quý gồm các loại như kim cương, đá quý dù dưới 300g nhưng có mức giá trị từ 300 triệu đồng trở lên cũng sẽ phải thực hiện khai báo với cơ quan hải quan hoặc mang theo vàng thì phải khai báo hải quan về mức giá trị của vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nếu không thực hiện hoặc khai sai có thể bị xử phạt hành chính theo Khoản 5, Điều 10 Nghị định 128/2020/NĐ-CP. Mức phạt sẽ phụ thuộc vào giá trị số trang sức vượt quá giới hạn và tính chất của vi phạm. Mức phạt cao nhất lên tới 50 triệu đồng.
Như vậy, trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Văn Thắng ở Bạc Liêu: Nếu mang trang sức dưới 300g mà giá trị không vượt quá 300 triệu đồng thì không cần khai báo và xuất trình giấy tờ. Nếu vượt quá 300g, hoặc dưới 300g nhưng giá trị trên 300 triệu đồng mà không có giấy tờ thì có thể bị tịch thu hoặc phạt hành chính nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.