Đầu năm nay, Phòng CSHS (Công an tỉnh Nghệ An) nhận được nhiều đơn trình báo về việc bị lừa đảo qua mạng thông qua chiêu bài rủ đầu tư "làm nhiệm vụ", mua hàng trên các sàn thương mại điện tử để hưởng "hoa hồng", làm nhiều gia đình rơi vào tình trạng nợ nần ngập đầu.
Đánh vào tâm lý nạn nhân hám lợi, tin vào những lời hứa "cứ xuống tiền, sẽ sinh lợi nhuận cao và được hoàn vốn khi gặp rủi ro". Cơ quan chức năng xác định các nạn nhân bị nhiều tổ chức tội phạm "giăng bẫy".
Tổ chức lừa đảo ở nước ngoài
Đầu tiên là một đường dây lừa đảo xuyên quốc gia với hàng ngàn người tham gia. Các đối tượng này ẩn náu tại các đặc khu, ốc đảo, tòa nhà cao tầng ở Myanmar, Lào, Campuchia và Philippines. Các ông chủ người Trung Quốc điều hành toàn bộ hoạt động, từ thuê trụ sở đến trả lương.
Đường dây này hoạt động rộng khắp thế giới, có chi nhánh tại nhiều nước châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, mỗi nơi cử người bản địa phụ trách.
Ở Việt Nam, khoảng 300 người tham gia, tất cả bị lôi cuốn tuyển dụng qua sologan "việc nhẹ lương cao" trên mạng. Sau đó những người này được tài trợ vé máy bay, bay sang các quốc gia được ông chủ người Trung Quốc chỉ định trước.
Quản lý chung của nhóm người Việt Nam là Phan Đình Thịnh (30 tuổi) và vợ Lê Thị Trà (26 tuổi), cùng trú xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), 2 người này trước cũng là người được tuyển qua hình thức trên.
Hàng ngày, họ hướng dẫn nhân viên dùng chiêu "người Việt lừa người Việt", lập tài khoản ảo trên mạng xã hội để làm quen và dụ dỗ người ở trong nước đầu tư "làm nhiệm vụ" trên các sàn thương mại điện tử có giao diện giống Shopee và Lazada do công ty tự xây dựng.
Chúng sử dụng phần mềm chỉnh sửa hình ảnh đại diện tài khoản mạng xã hội, tiếp cận phụ nữ đơn thân, đàn ông trung niên.
Ban đầu làm quen, tìm hiểu tính cách, sở thích, sau đó "tỏ tình", rủ đầu tư. Giai đoạn đầu, các nạn nhân được cho thắng 3 lần, nhận cả vốn lẫn lãi hàng chục triệu đồng.
Từ lần thứ tư, chúng yêu cầu đầu tư thêm để sinh lời cao hơn, rồi cố tình gây lỗi hệ thống, buộc nộp thêm tiền khắc phục mới được rút, cho đến khi nạn nhân không còn khả năng chi trả.
Về cách thức hoạt động của nhóm người Việt Nam được Thịnh – Trà quản lý: Thịnh và Trà là tổ trưởng, lương mỗi tháng 30 triệu đồng, còn nhân viên hưởng 15-18 triệu đồng, thêm "hoa hồng" trích từ tiền lừa đảo trong 1 tháng.
Theo thỏa thuận, nếu 1 tổ lừa được 1 tỷ đồng thì tổ trưởng nhận 7%, nhân viên từ 3-7%, phần còn lại chuyển về công ty chi phí hoạt động.
Nhân viên được tính công theo ngày, nghỉ sẽ bị trừ lương, muốn về nước phải hoàn tiền vé máy bay, nộp thêm "phí đào tạo", từ 60-100 triệu đồng.
Còn ông chủ người Trungh Quốc là người quyết định cho nhân viên rời công ty hay không. Ai muốn "giải thoát" nhưng không có tiền thì phải làm không lương để trừ chi phí.
Trong lúc các nhân viên săn mồi, nếu thấy nạn nhân nào đầu tư nhiều tiền, đích thân ông chủ sẽ "khai thác" đến khi cạn kiệt tài sản.
Tổ chức lừa đảo trong nước
Theo điều tra viên, tổ chức thứ hai là các nhóm lừa đảo trong nước. Những người này từng làm việc cho các tổ chức ở Myanmar và Philippines trở về, dựng lại mô hình cũ, tập hợp nhóm 5-7 người, sử dụng nhà riêng ở nơi hẻo lánh làm nơi hoạt động.
Chúng sống khép kín, khóa cửa cả ngày để gọi điện lừa đảo. Lợi nhuận chia theo tỷ lệ: Kẻ cầm đầu hưởng 30-40%, phần còn lại chia cho các thành viên.
Phạm vi hoạt động của nhóm lừa đảo này khắp các tỉnh thành trong nước, mỗi ngày thực hiện hàng chục phi vụ thành công, vì thế khoản tiền thu lợi bất chính rất lớn.
Có nghi phạm làm giàu lên nhanh chóng, như một người ở Bắc Ninh vừa về nước chưa đầy nửa năm đã xây được căn biệt thự hai tầng trên khu đất rộng hàng nghìn m2, nội thất đắt đỏ, mua ôtô tiền tỷ.
Trinh sát đã điều tra trên không gian mạng và tới các tỉnh xác minh thông tin bị hại phản ánh. Trong thời gian đầu như "mò kim đáy biển", do thông tin nhóm tội phạm đưa ra đều ảo, tài khoản nhận tiền không chính chủ. Việc truy vết nghi phạm ở nước ngoài gặp nhiều trở ngại vì cơ chế phối hợp với cơ quan chức năng sở tại còn vướng mắc.
Sau hơn 3 tháng, chân dung các nghi phạm được làm rõ, nút thắt vụ án cơ bản được "giải mã". Công an Nghệ An phối hợp với Cục nghiệp vụ Bộ Công an, công an các tỉnh và cửa khẩu, sân bay trên cả nước lên kế hoạch "cất vó", nhắm vào 3 nhóm:
Nghi phạm từ Myanmar, Philippines nhập cảnh về nước; người từng tham gia đường dây, đã về quê; và nhóm đang trực tiếp hoạt động tại nhiều tỉnh thành.
Các nghi phạm có sự liên kết khá chặt chẽ, vì thế phải phá án đồng thời để chúng không kịp trở tay. Nếu làm không nhất quán, nhóm tội phạm phát hiện 'động' sẽ tìm cách thông báo cho nhau để tẩu thoát hoặc xóa dấu vết.
Ngày 23/6, các tổ công tác của ban chuyên án đồng loạt ra quân. Tại một số cửa khẩu và sân bay của các tỉnh, hàng chục cán bộ công an mặc thường phục chia làm nhiều mũi, theo dõi từ xa để khống chế đối tượng.
Cùng thời điểm, nhiều mũi trinh sát tới nhà các nghi phạm từng tham gia tổ chức lừa đảo ở nước ngoài, công bố lệnh bắt.
Đối với kẻ quản lý chung cho ông chủ người Trung Quốc - vợ chồng Thịnh - Trà tại huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), nơi cả hai vừa về quê được vài tuần thì phải tra tay vào còng số 8. Một số người thân bất ngờ vì lâu nay tưởng con đi làm "việc nhẹ lương cao".
Theo trinh sát, nhóm trực tiếp hoạt động trong nước là khó xử lý nhất, vì ẩn náu trong nhà kiên cố, gắn camera giám sát, xa khu dân cư. Tại mỗi tỉnh, trinh sát từ nhiều mũi đồng loạt đột kích vào bên trong. Thấy bị lộ, các nghi phạm tắt máy tính, vứt điện thoại, định tẩu thoát nhưng vẫn bị bắt.
Trong 1 ngày, ban chuyên án đã bắt gần 100 người liên quan các tổ chức lừa đảo trong và ngoài nước, thu giữ nhiều điện thoại, máy tính và tài liệu liên quan.
Thời gian tới, Công an tỉnh Nghệ An sẽ liên lạc với nhà chức trách Myanmar và Philippines để cung cấp thêm tài liệu, bằng chứng về các nhóm tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia, lên cơ chế phối hợp để chặt đứt "vòi bạch tuộc".
Hậu quả
Cơ quan chức năng cáo buộc, tính tới khi bị triệt phá, đường dây do vợ chồng Thịnh - Trà quản lý cùng các nhóm trong nước đã lừa hàng nghìn người, chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Trung bình mỗi nghi phạm lừa hàng chục bị hại. Hai trường hợp mất nhiều nhất là 1 người ở Nghệ An và TP HCM, bị chiếm đoạt lần lượt 15 và 42 tỷ đồng chỉ trong 2 ngày.
Hiện Phan Đình Thịnh, Lê Thị Trà và hơn 90 người khác đã bị khởi tố, bắt giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Những người này phải đối diện với mức án từ phạt cải tạo không giam giữ cho tới tù chung thân. Riêng vợ chồng Thịnh – Trà thì cầm chắc bị cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội, tức phải trả giá cuộc đời mình trong tù, không thể tham gia vào đời sống xã hội được nữa.