Chúng giả công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên thuế… gọi điện hù dọa con mồi đang liên quan tới thanh tra, vụ án rửa tiền, buôn ma túy hay trốn thuế... Sau đó chúng yêu cầu “phối hợp điều tra” bằng cách chuyển tiền vào tài khoản để “kiểm tra”…
Trong series “NGƯỜI VIỆT LỪA NGƯỜI VIỆT”, hôm nay chúng ta tìm hiểu về chủ đề thứ nhất, đó là “Cảnh giác bị lừa thông qua gọi điện xuyên biên giới”.
Đây là một vấn đề rất nhức nhối hiện nay và thực tế đang diễn ra ngày càng tinh vi, đa dạng về hình thức.
Thưa các bạn!
Theo Bộ Công an, trung bình mỗi năm có hàng chục ngàn vụ lừa đảo qua điện thoại được người dân tố cáo.
Giai đoạn 2023–2025, số vụ được ghi nhận tăng từ 20–30% mỗi năm. Các băng nhóm thường hoạt động xuyên tỉnh, sử dụng SIM rác, hay điện thoại qua các nền tảng mạng XH.
Chúng dàn dựng nhiều kịch bản công phu, đánh vào từng yếu điểm của nạn nhân. Nhiều người dân là trí thức hay đang là CBCC, làm việc ở cơ quan nhà nước nhưng vẫn bị dính bẫy vì trùng vào các tình thế mà con nạn nhân đang gặp phải.
Dưới đây là các chiêu trò nổi bật, mọi người nên cảnh giác:
Chúng giả công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên thuế… gọi điện hù dọa nạn nhân như đang liên quan tới thanh tra, vụ án rửa tiền, buôn ma túy hay trốn thuế... Sau đó chúng yêu cầu “phối hợp điều tra” bằng cách chuyển tiền vào tài khoản để “kiểm tra”…
Cụ thế, nếu nạn nhân là doanh nghiệp đang gặp rắc rối về thuế, chúng điện thoại giả danh nhân viên cơ quan thuế để tiếp cận, hướng dẫn cài app lạ (app có logo Chính phủ) để lấy nhận diện khuôn mặt, sau đó rút hết tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Hay đối với con mồi là CBCC, đang rơi vô trường hợp có đợt thanh tra kiểm tra cơ quan, bọn chúng điện thoại giả danh là công an, toà án, VKS nói rằng nạn nhân đang gặp rắc rối về pháp lý, chúng điện để hỗ trợ rồi chiếm đoạt tiền.
Cụ thể là bà Nguyễn Thị Giang Hương - cựu Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bị một nhóm lừa đảo sử dụng công nghệ cao và xưng danh cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu bà Hương mở tài khoản để chuyển tiền vào.
Sau đó nhóm này xâm nhập vào tài khoản để lấy tiền của bà Hương hơn 171 tỷ đồng.
Khi đó Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai vào cuộc kiểm tra và xác định bà Hương có khuyết điểm, vi phạm kê khai tài sản không trung thực, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, Luật Phòng, chống tham nhũng và quy định của Bộ Chính trị…
Có trường hợp mạo danh ngân hàng, bưu điện để thông báo “tài khoản của anh/chị có giao dịch bất thường”. Dẫn dụ nạn nhân cung cấp mã OTP, mật khẩu Internet Banking hay gửi link giả mạo là “cập nhật thông tin tài khoản” để chiếm quyền truy cập điện thoại.
Cũng có trường hợp giả người thân, bạn bè, sử dụng AI deepfake. Chúng gọi điện thoại khóc lóc, giả giọng, nói đang cấp cứu, hay bị tai nạn, cần chuyển tiền gấp.
Cụ thể là có đối tượng mạo danh, giả giọng nói Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, điện thoại cho người thân ông để mượn tiền, kêu gọi góp vốn đầu tư.
Tuy nhiên, người thân bí thư Thành ủy nghi ngờ đây là thủ đoạn lừa đảo nên đã không làm theo mà trình báo công an.
Ban giám đốc Công an TP.HCM giao Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Phòng cảnh sát hình sự khẩn trương vào cuộc điều tra, và chỉ trong thời gian ngắn đã bắt giữ được người mạo danh để lừa đảo là Nguyễn Văn Tâm quê An Giang.
Với thủ đoạn này, Tâm đã lừa đảo được nhiều nạn nhân, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Ngoài ra, chúng cũng lừa trúng thưởng hay dụ tham gia “việc nhẹ lương cao” như thông báo trúng xe SH, trúng tiền mặt; dụ đóng phí “làm hồ sơ” hoặc “thuế nhận thưởng” hay tuyển cộng tác viên bán hàng online rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc….
Cao cấp hơn như là gọi điện từ “cảnh sát nước ngoài” thông qua việc giả danh hải quan, công an Trung Quốc, Singapore… dọa đang bị truy nã quốc tế, yêu cầu chuyển tiền “nộp phạt”…
Câu hỏi được đặt ra, vì sao người Việt dễ bị lừa bởi chính người Việt như vậy? Đó là tâm lý sợ hãi khi nghe đến công an, tòa án, VKS. Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân thiếu kỹ năng xác minh thông tin, nghe giọng nói cùng vùng miền, dễ tạo cảm giác an tâm.
Chúng có nhiều thủ đoạn tinh vi như: giả số tổng đài, sử dụng AI deepfake giọng nói để giả người thân; tạo trang web ngân hàng giả rất giống thật; hướng dẫn tải app có logo quốc huy của Chính phủ, để lấy nhận diện khuôn mặt rồi đổi mật khẩu Internet Banking. Sau đó chúng rút hết tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Thưa các bạn!
Các bạn có ý kiến như thế nào thì bình luận bên dưới, lần sau chúng ta tiếp tục series “NGƯỜI VIỆT LỪA NGƯỜI VIỆT” với phần 2 có nội dung “Công an Nghệ An tóm gọn gần 100 kẻ gọi điện lừa đảo”. Các bạn đón theo dõi.