Với chiến dịch chống hàng gian, hàng giả đang được các cơ quan chức năng làm quyết liệt. Một trong những chiến công chống hàng giả, đó là đội ngủ phóng viên VTV đã phanh phui ra đường dây là dầu ăn giả.
Cụ thể là dầu ăn Ofood vốn nhập khẩu dành cho thức ăn chăn nuôi nhưng được chế biến thành dầu ăn cho người. Câu hỏi được đặt ra: 2 loại này khác nhau thế nào? Có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe chúng ta ra sao?
Tối 24/6, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã đăng tải thông tin vụ án sản xuất dầu ăn giả với quy mô lớn. Nhãn hiệu dầu ăn Ofood của Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food được rao bán rộng rãi trên thị trường với danh nghĩa là dầu thực phẩm bổ sung vitamin A.
Tuy nhiên kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm hoàn toàn không chứa vitamin như công bố và nghiêm trọng hơn đây là loại dầu thực vật không đạt chuẩn an toàn thực phẩm, vốn chỉ dùng để chế biến thức ăn cho vật nuôi.
Theo VTV, nhóm đối tượng trong đường dây đã sử dụng đường ống ngầm để bơm dầu từ bồn chứa nguyên liệu cho chăn nuôi sang bồn chứa dầu đóng gói cho người tiêu dùng. Sau đó chúng lập ra hàng loạt công ty bình phong, làm giả hồ sơ công bố thực phẩm để đưa hàng đi tiêu thụ.
Đối tượng tiêu thụ chủ yếu là các bếp ăn công nghiệp, nhà hàng và làng nghề sản xuất thực phẩm ăn vặt như bim bim, snack, những nơi người tiêu dùng không thể kiểm soát nguồn nguyên liệu.
Đáng chú ý, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu An Hưng Phước, một trong những đơn vị nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất cả nước cũng bị phát hiện tham gia tiêu thụ loại dầu không đạt chuẩn.
Cơ quan chức năng cho biết các đối tượng đã trục lợi từ hai nguồn là chênh lệch giá bán vì dầu ăn cho người cao hơn khoảng 17% so với dầu dùng cho vật nuôi; đồng thời trốn thuế giá trị gia tăng: dầu ăn cho người phải chịu 8% thuế, còn dầu cho chăn nuôi được miễn thuế hoàn toàn.
Đến nay Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố 3 bị can là các đối tượng cầm đầu điều hành đường dây về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và buôn lậu.
Ngoài số sản phẩm người tiêu dùng đã sử dụng, cơ quan công an đã thu giữ hơn 1.000 tấn dầu nhập lậu. Một số công ty hoạt động đến 14 năm, với doanh thu hằng năm ước tính khoảng 4.500 tỉ đồng.
Dầu sử dụng trong chăn nuôi và dầu ăn sử dụng cho người hoàn toàn khác nhau từ khâu chế biến đến sử dụng.
Việc sử dụng dầu ăn trong chăn nuôi thành dầu ăn cho người sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn.
Dầu dùng trong chăn nuôi, bản chất là dầu thô - tức là dầu vừa ép xong từ nguyên liệu như lạc, đậu tương… nhưng chưa trải qua quá trình tinh chế, không đạt chuẩn để dùng cho người.
Quá trình tinh chế dầu ăn cho người sử dụng không chỉ làm sạch mà còn loại bỏ các chất độc hại, mùi hôi... Trong khi đó, dầu thô cho chăn nuôi thì không cần tinh lọc, nghĩa là chỉ cần ép lạc, đậu tương thành dầu - nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí.
Dầu này thường được bổ sung vào khẩu phần ăn của heo, bò, trâu… để tăng năng lượng, phục vụ quá trình vỗ béo vật nuôi.
Ngoài dầu thực vật dạng thô, một loại dầu khác cũng hay được sử dụng trong ngành chăn nuôi là dầu đã qua sử dụng, tức dầu chiên rán nhiều lần trong nhà hàng, khách sạn, sau đó được thu gom bán lại.
Loại dầu ấy chứa những chất độc phát sinh trong quá trình chiên rán có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên do không gây tác hại rõ rệt với vật nuôi nên vẫn được một số nơi tận dụng cho chăn nuôi.
Nếu các loại dầu không đạt chuẩn an toàn, đặc biệt là dầu thải, dầu tái sử dụng bị trà trộn và sử dụng để chế biến thực phẩm cho người, thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng, có thể dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe lâu dài như ngộ độc, tổn thương gan, thận.
Bởi vì dầu ăn cho người nhất thiết phải là dầu sạch, đã tinh chế, đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Còn dầu thô và dầu đã qua sử dụng là hai loại dầu tuyệt đối không được sử dụng trong thực phẩm dành cho người.
Người tiêu dùng khi lựa chọn dầu ăn cần lưu ý về màu sắc cũng như mùi vị của loại dầu đó. Thông thường các loại dầu ăn dành cho người sẽ có màu nhạt hơn, không có mùi hôi, tạp chất.
Thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt thực phẩm kém chất lượng hoặc giả. Hồi tháng 4, cơ quan chức năng thu giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả tại Phú Thọ.
Hàng chục tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc là gà đông lạnh, nội tạng gà đông lạnh, xúc xích, lạp xưởng, viên thả lẩu thập cẩm... bị phát hiện ở Hà Nội. Tại Nghệ An, giá đỗ bị phát hiện ngâm tẩm hóa chất.
Như vậy, với dầu ăn dành cho gia súc gia cầm mà 3 đối tượng cầm đầu tại Hưng Yên, nhẫn tâm điều hành đường dây làm giả để bán ra thị trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.