Sáng 20/12/2018, tại Khách sạn Sheraton, số 88 Đồng Khởi, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Uỷ ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) đã tổ chức hội thảo “Giao dịch M&A: Nhận diện rủi ro pháp lý, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp”.
Đến dự có hơn 200 đại biểu từ khối Doanh nghiệp có hoạt động M&A, Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn, môi giới giao dịch M&A, các Doanh nghiệp có dự định thực hiện hoặc đang trong quá trình thực hiện các hoạt động M&A, các Luật sư đến từ các công ty – văn phòng luật sư lớn. Hội thảo cũng có sự tham gia của các đại diện đến từ các Hiệp hội Doanh nghiệp, cùng các cơ quan truyền thông trên địa bàn TP.HCM.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Hội nghị có nội dung nhận diện một số rủi ro pháp lý thường gặp khi doanh nghiệp thực hiện tham gia vào hoạt động M&A tại Việt Nam và phân tích đặc điểm của các tranh chấp phát sinh từ hoạt động này. Trao đổi thương vụ đã phát sinh tranh chấp, trong đó có những tranh chấp được đưa ra giải quyết tại VIAC và KCAB, nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn tình hình cũng như tìm được phương án phòng ngừa các rủi ro pháp lý trên thị trường M&A đang vô cùng sôi động hiện nay.
Bên cạnh đó, Hội thảo là diễn đàn để các Luật sư, Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực M&A và trọng tài tại VN và thế giới chia sẻ hiểu biết của mình với doanh nghiệp. Giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn đặc tính của tranh chấp M&A và đưa ra các khuyến nghị để doanh nghiệp lựa chọn, sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp hơn.
Khai mạc hội thảo ông Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ phát biểu: “Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Uỷ ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) đã tổ chức nhiều sự kiện phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp. Là 2 tổ chức trọng tài tiêu biểu của Việt Nam và Hàn Quốc chúng tôi luôn đặt ra nhiệm vụ cho mình là cần có nhiều đóng góp cho hoạt động trọng tài thương mại quốc tế...”.
Ông Trần Du Lịch phát biểu khai mạc Hội nghị.
Ông Lee Ho Won, Chủ tịch KCAB phát biểu.
Bên ngoài Hội nghị, ông Trần Du Lịch cho biết thêm: “Thị trường M&A Việt Nam là thị trường mới, theo tạp chí tài chính trong 10 năm qua, thị trường này đã đạt được hơn 4.300 giao dịch. Doanh số gần 49 tỷ đô la. Thật sự đây là thị trường tuy mới nhưng nó phát triển hết sức sôi nổi. Hiện nay có mấy vấn đề, thứ nhất khung pháp lý hoạt động còn mới mẻ, chưa được chặt chẽ; Thứ hai riêng M&A có nhiều tác động từ yếu tố bên ngoài, ngoài các quan hệ giữa 2 bên. Các chính sách về thuế nó khác như thế nào với các loại kinh doanh khác? Chúng tôi dự liệu VIAC cùng với KCAB nhận thấy nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam có nhiều hoạt động M&A ở thị trường này. Do đó tổ chức để nhận diện những vấn đề gì sẽ phát sinh. Thứ ba từ thực tiễn kiến nghị xem những pháp lý gì cần bổ sung chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro pháp lý. Trong hội nghị này, các chuyên gia về luật pháp, những người có kinh nghiệm về tư vấn các hoạt động trong lĩnh vực này truyền đạt kinh nghiệm. Với kỳ vọng như vậy, chúng tôi nghĩ rằng Trung tâm Trọng tài Quốc tế VN đóng góp cho sự phát triển lành mạnh, an toàn của thị trường M&A trong thời gian tới. Tôi tin rằng nó sẽ khởi sắc mạnh cũng như sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam”.
Nhóm truyền thông phỏng vấn ông Trần Du Lịch bên lề Hội nghị
Hội thảo được chia thành 3 phiên với nội dung chính: (1) Cập nhật về các xu hướng mới trong trọng tài thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác; (2) Giao dịch M&A: Nhận diện rủi ro pháp lý thường gặp; và (3) Trọng tài thương mại – Phương thức phù hợp nhất để giải quyết tranh chấp từ giao dịch M&A.
Tại phiên đầu, hai diễn giả là Luật sư Đặng Xuân Hợp, Thành viên Hội đồng Khoa học VIAC và ông Kwon Heehwan, Giám đốc KCAB International thuộc KCAB đã đưa đến cho người nghe những thông tin cập nhật nhất về các xu hướng mới trong hoạt động trọng tài, hoà giải Việt Nam và Hàn Quốc. Trong bài trình bày của mình, ông Đặng Xuân Hợp đã cung cấp các số liệu khảo sát về tình hình sử dụng trọng tài thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác (ADRs) trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy trọng tài thương mại và các phương thức ADR khác luôn là lựa chọn số một của các doanh nghiệp khi có phát sinh tranh chấp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh trong đó có hoạt động M&A. Về phần trình bày của ông Kwon Heehwan đã giới thiệu một số thay đổi trong khung pháp lý về hoạt động trọng tài của Hàn Quốc trong năm 2018 vừa qua. Cả ông Hợp và ông Kwon đều tin tưởng rằng trọng tài và các phương thức ADR khác là phương thức giải quyết tranh chấp tiên tiến và hiệu quả, được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Tại phiên đầu, diễn giả Luật sư Đặng Xuân Hợp và ông Kwon Heehwan trình bày quan điểm của mình tới người nghe.
Tiếp theo đó, dưới sự điều phối của bà Ngô Quỳnh Anh, Luật sư thành viên, Công ty Luật EP Legal, phiên thứ hai đã cung cấp cho các đại biểu (i) một số thông tin và lưu ý cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các giao dịch M&A với các công ty có vốn nhà nước trong tiến trình thoái vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại VN; và (ii) bài học kinh nghiệm được chia sẻ từ góc nhìn của luật sư từ các thương vụ M&A qua bày trình bày của ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình Thạc sỹ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, Trọng tài viên VIAC; Ông Cha Jihoon, Luật sư thành viên, Công ty Luật TNHH Kim & Chang và ông Trương Nhật Quang, Luật sư thành viên, Công ty Luật TNHH YKVN. Các diễn giả là các chuyên gia, luật sư nổi tiếng, có kinh nghiệm dày dặn trong hoạt động theo dõi quá trình thoái vốn của doanh nghiệm nhà nước VN và cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài trong các thương vụ M&A, đã chia sẻ các hiểu biết, kinh nghiệm của mình giúp cho người nghe có thêm nhiều thông tin thực tiễn hữu ích để hiểu đúng, nhận diện được các rủi ro pháp lý thường gặp để phòng ngừa và quản lý tốt các tranh chấp này.
Bà Ngô Quỳnh Anh điều phối phiên hai cùng các diễn giả là ông Phạm Duy Nghĩa, Ông Cha Jihoon và ông Trương Nhật Quang.
Phiên thứ ba của hội thảo với nội dung tìm hiểu cấu trúc của một thương vụ M&A điển hình, từ đó các diễn giả đưa ra khuyến nghị về phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp nhất để các doanh nghiệp tham khảo và thảo luận. Phiên thứ ba được điều phối bởi ông Kim Yuho, Luật sư thành viên, Công ty Luật Baker McKenzie. Các diễn giả bao gồm: Bà Cho Una, Luật sư, Công ty Luật Yoon & Yang và ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC.
Phiên thứ ba được điều phối bởi ông Kim Yuho cùng các diễn giả là Bà Cho Una và ông Phan Trọng Đạt.
Hội thảo được kết thúc với lời cảm ơn của ông Lee Ho Woo tới toàn thể đại biểu tham dự và các cơ quan báo chí, truyền thông đã tới dự và đưa tin.