Nên chăng nơi nào thích hợp nên cho quy hoạch làm cống hộp theo diện “nhà nước và nhân dân cùng làm”.Đưa ra thông số kỹ thuật như kích cỡ, cốt nền đặt cống và giám sát chất lượng để mọi người dân tuân theo?
Để cải thiện công tác chống ngập ứ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng đang nhanh chóng kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước, tăng cường công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến sông, kênh, rạch thoát nước trong mùa mưa diễn ra gấp rút.
UBND xã Vĩnh Lộc B đã chữa cháy bằng cách đưa xe Kobe vét rác và cỏ dại, khi đến giữa mùa mưa sẽ tổ chức ra quân dọn vệ sinh triệt để.
Ghi nhận thực tế tại kênh Bờ Bao khu ấp Chiến Lược thuộc ấp 2 - ấp 3B, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Tuyến kênh này khởi nguồn từ nhà máy bột mì Minh Nhựt, men theo vành đai khu ấp Chiến Lược ấp 3B và ấp 2, xuyên qua đường Võ Văn Vân để chảy ra Rạch Cầu Suối. Dọc theo dòng kênh rác rến rất nhiều, có thể thấy rõ mức độ bao phủ của cỏ dại, rác thải sinh hoạt, xác động vật, bao ni long gây ô nhiễm và cản trở dòng chảy rất nghiêm trọng.
Mỗi khi trời mưa lớn, nước kênh dâng lên vì cuối nguồn hẹp không chảy kịp làm cho rác và mùi hôi càng bủa vây khu dân cư dữ dội. Hiện nay số lượng kênh rạch ở Bình Chánh trong đó có xã Vĩnh Lộc B bị ô nhiễm không nhỏ, kéo theo đó là rất nhiều hộ gia đình sinh sống quanh khu vực này phải chịu đựng cảnh “sống chung” với rác, mùi hôi và nguy cơ bùng phát bệnh tật, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết.
Theo người dân nơi đây, tình trạng ô nhiễm nguồn nước là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều người dân không có ý thức đã xả rác thải sinh hoạt thẳng xuống kênh rạch, ném xác động vật đã chết làm mùi xú uế bao trùm cả đoạn kênh, ai đi ngang qua phải bịt mũi mà chạy. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất xả chất thải chưa qua xử lý xuống kênh, làm cho lòng kênh đen ngòm bốc mùi khó chịu, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến kênh rạch bị ô nhiễm, tạo mầm cho nhiều bệnh dịch.
Đoạn kênh bị một số cơ sở sản xuất xả chất thải chưa qua xử lý làm đặc sệt một đoạn kênh.
Không những luôn hôi thối gây bệnh dịch vào mùa khô mà còn mỗi khi trời mưa to là ngập lênh láng. Thường khi nước dâng lên phải 2 hay 3 ngày nước mới rút. Bởi vậy nếu mưa to dầm vài ngày thì cả đoạn kênh chìm trong biển nước. Nguyên nhân được biết là đoạn kênh xuyên qua đường Võ Văn Vân rất kẹp, thắt cổ chai. Cộng thêm đoạn từ đường Võ Văn Vân tới rạch Cầu Suối lại cạn, hẹp, cỏ dại mọc um tùm gây cản trở dòng chảy.
Chủ quán cafe Đen Trắng, chị Tô Thị Gấm sinh năm 1972 ngụ tại C2B/45 Tổ 2, ấp 3B, xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh nhà cạnh con kênh Bờ Bao cho hay: “Gia đình tôi đã về đây sống gần 10 năm, ngày xưa dân cư ít nên con kênh không bị ô nhiễm. Khoảng 3 năm trở lại đây. Mùa nắng thì bốc mùi hôi thúi, mùa mưa thì nước dâng. Mong nhà nước cho quy hoạch làm cống hộp để đỡ hôi thúi, người dân không vứt xác động vật hay rác rến xuống lòng kênh được nữa”.
Anh Lữ Văn Thắng sinh năm 1969 tâm sự: “Phải chi nhà nước cho kế hoạch làm cống hộp, những hộ nào có kênh trước nhà thì tự làm, nhà nước không phải ra tiền, chỉ đưa kế hoạch quy hoạch sau đó kiểm tra giám sát để người dân làm theo thôi”.
Chúng tôi liên lạc với ông Võ Trường Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh thì được ông cho biết: “Năm nào đến mùa mưa lực lượng Thanh niên xã đều tổ chức ra quân dọn vệ sinh, thu gom vớt rác thải, vớt cỏ dại, lục bình mọc lấn kênh rạch nhằm khơi thông dòng chảy và cải thiện quang cảnh môi trường. Riêng kênh Bờ Bao khu ấp Chiến Lược, rác thải sinh hoạt và xác động vật bị vứt xuống rất nhiều. Vì khu vực này là chợ (chợ Nhỏ), dân cư sinh sống đông đúc nên xả thải tràn lan. Bên cạnh luôn tuyên truyền bà con giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác xuống kênh rạch, xã cũng sẽ kiến nghị xin Thành phố cho toàn tuyến kênh bao quanh khu dân cư làm cống hộp. Trước là tránh được người dân không ý thức vứt rác xuống kênh, sau là đảm bảo mỹ quang khu dân cư, tạo thông thoáng đường xá bảo vệ môi trường... Khi đến giữa mùa mưa chúng tôi sẽ ra quân dọn vệ sinh lớn, hiện tại chỉ chữa cháy bằng cách đưa xe Kobe xuống để vét rác thải, cỏ dại trước các cống, các cầu tự phát của bà con”.
Theo các chuyên gia, các cơ quan có chức năng quản lý cần phân vùng kênh rạch để phân loại và ưu tiên cứu những nơi bị ô nhiễm nặng. Nơi nào thích hợp nên cho quy hoạch làm cống hộp theo diện “nhà nước và nhân dân cùng làm”.Nên đưa ra thông số kỹ thuật như kích cỡ, cốt nền đặt cống và giám sát chất lượng để mọi người dân tuân theo.
Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền cần có sự liên kết để người dân thấu hiểu và đồng hành cùng chính quyền với các biện pháp xử lý pháp luật cần mạnh tay hơn để răn đe, làm gương các đối tượng xả thải không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường sống, ngăn ngừa dịch bệnh cho bà con, đảm bảo vì môi trường xanh sạch đẹp.