Dự án đường vành đai 3 TP.HCM đi qua huyện Håóc Môn với chiều dài hơn 11 km, dự kiến hoàn thành vào ngày 30/6/2026.
Sau năm 2030, TP.HCM sẽ triển khai mô hình thành phố đa trung tâm, trong đó Hóc Môn cùng với các huyện ngoại thành như Củ Chi hình thành đô thị phía Bắc trực thuộc TP.HCM. Trong đó huyện Hóc Môn được quy hoạch trở thành trung tâm đào tạo, thương mại - dịch vụ, logistics, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái và hữu cơ.
Mục tiêu đến năm 2030, huyện Hóc Môn phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sống của người dân trên địa bàn, hướng đến xây dựng các tiêu chí đạt đô thị loại III, làm nền tảng để trở thành một phần trong đô thị phía Bắc của TP.HCM.
Tại đây sẽ hình thành các khu trung tâm mới tại khu vực giao giữa Quốc lộ 22 với Vành đai 3, khu vực sông Vàm Thuật và sông Sài Gòn. Quỹ đất nông nghiệp sẽ được khai thác phục vụ phát triển đô thị, kết hợp công viên văn hóa và các dự án dịch vụ.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm Ocop trên địa bàn huyện Hóc Môn đang được người dân hưởng ứng.
Phía Tây huyện sẽ ưu tiên phát triển các ngành logistics, đào tạo, sản xuất - kinh doanh theo mô hình xanh, hạn chế ô nhiễm môi trường. Các khu dân cư hiện hữu cũng sẽ được cải tạo và chỉnh trang.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đang và sẽ được triển khai tại Hóc Môn. Quốc lộ 22, đoạn từ nút giao An Sương (Quận 12) đến Vành đai 3 (huyện Hóc Môn), dài 8,7 km sẽ được mở rộng lên 60 m với 10 làn xe, xây dựng cầu vượt tại các nút giao. Tổng mức đầu tư dự kiến 8.400 tỷ đồng. Xây dựng tuyến đường mới song hành đường Phan Văn Hớn, dài 8,5 km, rộng 30 m, kết nối từ Quốc lộ 1 đến Vành đai 3 TP.HCM.
Huyện Hóc Môn đang còn nhiều quỹ đất để phát triển nông nghiệp đô thị công nghệ cao .
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng quy hoạch tuyến đường ven sông Sài Gòn dài 78,2 km, kéo dài từ ranh Tây Ninh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Cần Giờ). Tuyến đường này không chỉ mở ra hướng phát triển đô thị mới mà còn tạo điểm nhấn cảnh quan sông nước, thúc đẩy du lịch và dịch vụ thương mại.
Huyện Hóc Môn trong tương lai sẽ có 4 tuyến metro đi qua, giúp kết nối thuận tiện với các khu vực khác của TP.HCM, gồm: Metro số 2 (Thủ Thiêm - Depot Bình Mỹ, dài 62,2 km); Metro số 4 (Đông Thạnh - Khu đô thị Hiệp Phước, dài 47,3 km); Metro số 8 (Đa Phước - Bình Mỹ, dài 42,8 km); Metro số 11 (Tuyến ven sông kết nối quận Bình Tân với Củ Chi, dài 48,7 km).
Bên cạnh các dự án lớn, huyện Hóc Môn cũng sẽ nâng cấp hệ thống giao thông nội bộ, kết nối các khu hành chính, khu dân cư và trung tâm thương mại để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển và phát triển kinh tế.
Hóc Môn còn có tiềm năng phát triển vận tải đường thủy, với hệ thống sông, kênh rạch phong phú. TP.HCM đang quy hoạch xây dựng cảng du thuyền trên sông Sài Gòn, nâng cấp bến xe An Sương thành bến xe buýt lớn của thành phố và xây dựng bến xe Xuyên Á. Song song đó, dự án cảng cạn Hóc Môn cũng đang được kêu gọi đầu tư để hỗ trợ logistics.