Trong đơn xin cấp đất và nhà của ông Nguyễn Xuân Thủy, ngày 02/4/1985 UBND Thạnh Hưng đồng ý và ghi rõ công trình bệnh viện đã đền bù xong
UBND tỉnh lật lại vấn đề một cách bất thường
Báo Công lý & Xã hội đã thông tin về việc ông Nguyễn Xuân Thủy (ngụ 570 ấp Vĩnh Bình A, xã Vĩnh Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) bị kiện đòi lại nhà đất được UBND huyện Thạnh Hưng (nay là huyện Lấp Vò- PV) cấp cho để làm nơi sinh sống.
Ngày 02/4/1985, UBND huyện Thạnh Hưng có ý kiến chấp thuận theo đơn xin đất và căn nhà của ông Thủy. Ý kiến của UBND huyện Thanh Hưng nêu rõ chấp thuận cho ông Thủy sử dụng căn nhà vì nhà đã đền bù xong, đất nằm ngoài hàng rào của bệnh viện.
Sau khi có quyết định của UBND huyện Thạnh Hưng, gia đình ông Thủy đã tiến hành sửa chữa, gia cố căn nhà và sinh sống ổn định, hàng năm đều đóng thuế sử dụng đất. Trong quá trình gia đình ông Thủy sử dụng đất, ông Huỳnh Tấn Hòa (đã mất- PV) và sau này là anh Huỳnh Tấn Cầu (con trai ông Huỳnh Tấn Hòa- PV) cùng một số người liên tục gửi đơn đến UBND huyện huyện Lấp Vò, UBND tỉnh Đồng Tháp để đòi bồi thường khu đất 22000m2.
Ngày 15/04/1997, UBND huyện Lấp Vò có Văn bản số 01/BC-ĐC không xem xét giải quyết yêu cầu đòi bồi thường 22000m2 đất của ông Hòa. Không đồng ý ông Hòa tiếp tục khiếu nại đến UBND tỉnh Đồng Tháp.
Ngày 26/06/1998, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định 329/QĐ-UBND-NĐ, quyết định về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Huỳnh Tấn Hòa. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định bác đơn khiếu nại yêu cầu đòi bồi thường diện tích 22000m2 đất của ông Huỳnh Tấn Hòa, giao UBND huyện Lấp Vò tiến hành bồi hoàn chi phí di dời mồ mả cho gia đình ông Hòa theo quy định.
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thủy bên căn nhà và khu đất
Vào năm 2011, ông Huỳnh Tấn Hòa qua đời, các con của ông Huỳnh Tấn Hòa mà đại diện là anh Huỳnh Tấn Cầu tiếp tục làm đơn khiếu nại đòi bồi thường. Sau khi xem xét, xác minh sự việc, ngày 26/10/2015, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp có Văn bản số 746/VPUBND-TCD về việc giải quyết khiếu nại của anh Huỳnh Tấn Cầu.
Theo đó, ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp có ý kiến chỉ đạo: Giao UBND huyện Lấp Vò hỗ trợ cho gia đình ông Huỳnh Tấn Hòa 3 nền đất ở không thu tiền sử dụng đất; Bố trí cho 2 người con của ông Huỳnh Tấn Hòa là hộ ông Huỳnh Tấn Linh và hộ bà Huỳnh Thị Chi mỗi hộ 01 nền vượt lũ do là đối tượng hộ nghèo, không có đất ở; Xem xét, hỗ trợ chi phí di dời mồ mả của gia đình ông Huỳnh Tấn Cầu trên đất trúng quy hoạch hiện nay.
Việc UBND tỉnh Đồng Tháp giải quyết tiếp vụ việc vào năm 2015 cho thấy đã có nhiều bất thường. Cụ thể, theo quyết định hành chính thì năm 1997 UBND huyện Lấp Vò đã bác đơn của ông Huỳnh Tấn Hòa, đến năm 1998 UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành quyết định bác đơn khiếu nại của ông Huỳnh Tấn Hòa. Nghĩa là vụ việc đã được giải quyết bằng quyết định hành chính, đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến năm 2015, UBND tỉnh Đồng Tháp lại phúc tra và xem xét giải quyết giao 05 nền đất cho gia đình ông Huỳnh Tấn Hòa.
Trích lục địa bộ lập ngày 25/5/1965 ghi tên chủ sử dụng đất là ông Huỳnh Tấn Cứ
Còn theo hồ sơ vụ việc thì không có giấy tờ pháp lý nào chứng minh gia đình ông Huỳnh Tấn Hòa có quyền sử dụng đất khu đất 22000m2 mà gia đình ông Huỳnh Tấn Hòa đã và đang khiếu nại để đòi bồi thường và đã được UBND tỉnh Đồng Tháp giải quyết quyền lợi.
Căn cứ theo trích lục địa bộ của chế độ cũ lập ngày 25/5/1965 thì phần đất màn ông Huỳnh Tấn Hòa sau này là anh Huỳnh Tấn Cầu cùng một số người khiếu nại đòi bồi thường và đòi ông Thủy trả đất có nguồn gốc của ông Huỳnh Tấn Cứ (địa chủ cũ, đã qua đời- PV).
Qua tìm hiểu của phóng viên, ông Huỳnh Tấn Cứ kết hôn với bà Nguyễn Thị Lại, hai ông bà có người con là ông Huỳnh Tấn Hiến, sinh năm 1926, ngụ Vĩnh Thạnh, tỉnh Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp ngày nay- PV). Điều này thể hiện rõ trên thẻ căn cước số 00640204 do Trưởng ty Cảnh sát quốc gia cấp ngày 11/08/1970, trên thẻ ghi cha của ông Huỳnh Tấn Hiến là ông Huỳnh Tấn Cứ, mẹ là bà Nguyễn Thị Lại.
Thẻ căn cước của ông Huỳnh Tấn Hiến ghi rõ cha là Huỳnh Tấn Cứ. Ông Hiến có người con là ông Huỳnh Thanh Bình hiện đang sinh sống tại ấp Vĩnh Bình A, xã Vĩnh Thạnh
Ông Huỳnh Tấn Hiến lấy vợ và sinh ra ông Huỳnh Thanh Bình (sinh năm 1958, ngụ 569 ấp Vĩnh Bình A, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò). Như vậy, ông Huỳnh Thanh Bình là cháu nội ông Huỳnh Tấn Cứ. Ông Huỳnh Thanh Bình cho biết, ông Huỳnh Tấn Hòa chỉ có quan hệ họ hàng, không phải là con cháu của ông Huỳnh Tấn Cứ và gia đình ông Huỳnh Tấn Hòa cũng không phải là người được thừa hưởng quyền thừa kế hay quyền sử dụng đất của ông Huỳnh Tấn Cứ.
Thế nhưng không hiểu vì sao ông Huỳnh Tấn Hòa và sau này là anh Huỳnh Tấn Cầu lại có trong tay trích lục địa bộ, họa đồ của gia đình ông Huỳnh Tấn Cứ và lấy đó làm căn cứ đòi đất với UBND huyện Lấp Vò ?
Cơ quan công an cần vào cuộc điều tra
Chia sẻ với phóng viên, ông Huỳnh Thanh Bình cho biết ông Huỳnh Tấn Cẩm là ông tổ của dòng họ Huỳnh, ông Huỳnh Tấn Cẩm sinh ra ông Huỳnh Tấn Hùng, ông Huỳnh Tấn Hùng sinh ra ông Huỳnh Tấn Cứ. Ông Huỳnh Tấn Cứ làm ăn phát đạt, chuyên thu mua và cho thuê mướn đất đai, thu lúa tá điền. Toàn bộ đất đai trước năm 1975 là của ông Huỳnh Tấn Cứ, đều do ông Huỳnh Tấn Cứ đứng tên.
Ông Huỳnh Tấn Chức là cha của ông Huỳnh Tấn Hòa (ông nội anh Huỳnh Tấn Cầu- PV) không có quyền sử dụng đất này, ông Chức và ông Hòa đã lấy tờ trích lục địa bộ, họa đồ của ông Huỳnh Tấn Cứ cấu kết với một số người để đòi đất và nhận bồi thường, Thậm chí còn lấy cả đất của ông Huỳnh Tấn Cứ để bán cho ông Huỳnh Thanh Bình.
Trong đơn tố cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng, ông Huỳnh Thanh Bình khẳng định, năm 1979 Nhà nước thu hồi số đất của ông Huỳnh Tấn Cứ khoảng 20.000m2 (khoảng 10 hộ dân- PV) và đã thực hiện đền bù hoa màu, cây trái trong đó gia đình ông Hòa đã được nhà nước chi trả 7000m2 đất ở nơi khác. Đến năm 1983, trạm bơm không hoạt động nữa, Nhà nước tiến hành thu hồi số đất còn lại để xây dựng Bệnh viện Thạnh Hưng.
Biên bản đền bù lập ngày 05/03/1979
Theo Biên bản đền bù lập ngày 05/03/1979 có tên gia đình ông Huỳnh Tấn Hòa nhận bồi thường, có chữ ký của ông Huỳnh Tấn Hòa và xác nhận của Ty thủy lợi cùng chính quyền địa phương. Biên bản này hoàn toàn trùng khớp với xác nhận của ông Phạm Văn Kiềng (người cũng nhận đền bù- PV) và ông Phạm Văn Dư, nguyên thủ quỹ Phòng Thủy lợi bấy giờ.
Ông Huỳnh Tấn Hòa ký nhận đền bù
Biên bản đền bù có xác nhận của chính quyền, Ty thủy lợi và ông Phạm Văn Dự là thủ quỹ thời bấy giờ
“Đến thời điểm này, đất đai của ông nội tôi chưa cho ai, không di chúc hay tặng cho ai cả nhưng gia đình ông Huỳnh Tấn Hòa đã lấy trộm địa bộ của gia đình tôi, vẽ thêm sơ đồ bệnh viện, làm giả hồ sơ để đòi bồi thường”, ông Huỳnh Tấn Bình bức xúc nói.
Ngoài ra, trong phần đất của ông Huỳnh Tấn Cứ đứng tên để lại, mặc dù không có quyền sử dụng, không phải là những người được thừa hưởng nhưng năm 2005 ông Huỳnh Tấn Hòa và anh Huỳnh Tấn Cầu đã đứng ra bán 5 lô đất cho 5 hộ dân để thu lợi bất chính 17 cây vàng.
Họa đồ lập năm 1965 mang tên ông Huỳnh Tấn Cứ nhưng sau này lại bị vẽ thêm sơ đồ bệnh viện, trạm bơm vào để đi khiếu nại đòi đất mặc dù trạm bơm được xây năm 1979, bệnh viện xây năm 1983
Trong văn bản xác nhận ngày 09/10/2006, bà Lê Thị Lệ (ngụ ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò) cho biết, ông Huỳnh Tấn Hòa đã bán cho gia đình bà 01 nền đất và thu 02 cây vàng, hình thức giao dịch là viết giấy tay mua bán.
Văn bản xác nhận của bà Lê Thị Lệ lập năm 2006
Ngoài vấn đề đất đai, ông Huỳnh Thanh Bình cho biết thêm, anh Huỳnh Tấn Cầu còn đòi nhà nước chi trả kinh phí di dời 14 ngôi mộ của dòng tộc trên khu đất của ông Huỳnh Tấn Cứ trong đó mồ mả ông bà nhà ông Bình là chủ yếu nhà ông Huỳnh Tấn Cầu chỉ có 1 ngôi mộ nhưng anh Huỳnh Tấn Cầu vẫn chiếm đoạt số tiền di dời mồ mả của mọi người.
Hồ sơ giả mạo đã lọt qua các cấp chính quyền huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp ra sao? Cách giải quyết của chính quyền tỉnh như thế nào? Đã có những ý kiến chỉ đạo nào từ cơ quan chức năng?
Link gốc