top

Hồ Nam: cha đẻ tác phẩm Một khúc nam ai

Thứ 2, 11-06-2018 | 11:23:40 admin
Cha ông là nhạc sĩ lão thành trước thời Phùng Há, Năm Châu với danh xưng Tư Tín chuyên đàn cò và đàn tam. Thừa hưởng dòng máu tài tử từ cha, tác giả Hồ Nam đam mê đờn ca từ thưở nhỏ.


Quang cảnh buổi sinh hoạt CLB Đờn ca Tài tử Quận 4

Chiều nghĩa trang mộ phần trơ hoang vắng 
Con tìm về thăm lại người xưa 
Kỉ vật còn đây theo ngày tháng gió mưa 
Mà dấu tích không phai hình dáng cũ... 

 

Đó là đoạn lối của tác phẩm vọng cổ ‘Một khúc nam ai’. Không ít người chìm đắm trong cảm xúc khi thưởng thức những ca từ của bài hát này được cất lên mà chẳng biết tác giả nó là ai. Một số trang mạng xã hội vẫn ghi tác giả là khuyết danh, trong khi giọng ca Chuông Vàng Vọng Cổ 2008 Nghệ sĩ Võ Minh Lâm đã từng sử dụng bài hát này để dự thi chương trình ‘Tuyển chọn giọng ca cải lương hàng tuần’ khi vào vòng bán kết. 

 

Cha đẻ của tác phẩm ‘Một khúc nam ai’

 

Bài hát được ra đời khi ấy tác giả là hội viên Hội văn học Long An vào những năm 2013. Một lần tác giả đọc truyện ngắn của Võ Thanh Phong tại Hội Văn học Long An, ông thấy câu chuyện hay quá bèn xin phổ thành bài vọng cổ. Từ mẫu chuyện có thật rất đời thường ấy mà tác phẩm ‘Một khúc nam ai’ được ra đời.

 

Tác giả bài vọng cổ ấy là Hồ Nam. Ông tên thật là Nguyễn Văn Năm, sinh năm 1948, là người gốc Long An. Ông có hai người con, một trai một gái. Người con lớn đã mất lúc 31 tuổi, đứa con gái không theo nghiệp cha, chị là dân kinh doanh nên cuộc sống cũng tạm ổn. Mỗi tháng chị cung cấp cho ông 500 ngàn đồng để phụ tiền điện nước tại căn hộ nhỏ trong hẻm sâu trên đường Đoàn Văn Bơ, Phường 16, Quận 4.



Các thầy đờn đang trình diễn. Từ phải sang - Phó Chủ nhiệm CLB Đờn ca Tài tử Quận 4 nhạc sĩ Hữu Đắt đàn sến; Nhạc sĩ Anndy Lê guitar phím lõm và Violon nghệ sĩ Lê Công Tấn, cụ nhạc sĩ Đoàn Cải Lương Trần Hữu Trang.
 

Cha ông là nhạc sĩ lão thành trước thời Phùng Há, Năm Châu với danh xưng Tư Tín chuyên đàn cò và đàn tam. Thừa hưởng dòng máu tài tử từ cha, tác giả Hồ Nam đam mê đờn ca từ thưở nhỏ. Ông đã từng là giảng viên dạy nhạc cho các thầy cô dạy phổ thông vào những năm 1973. Sau khi đất nước giải phóng, vài năm sau đó phong trào đờn ca tài tử ở miền Nam bị lắng xuống, ông chuyển lên Sài Gòn sinh sống rồi vào dạy phổ cập tình thương và tham gia công tác Chữ Thập Đỏ tại quận 4.

 

Hơn 100 tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của Hồ Nam

 

Sẵn máu văn nghệ trong người không bao giờ phai nhạt, vào năm 1998, tại Nhà Văn hoá số 236 Bến Vân Đồn, Phường 15, Quận 4 Câu lạc bộ Đờn ca Tài tử được hình thành do Hồ Nam làm Chủ nhiệm. Từ đó những ca khúc tân cổ, những bài lý, những bài bản tài tử lần lượt ra đời. Cũng năm đó, bài bản tài tử điệu nam xuân ‘Sài Gòn 300 năm miền đất mới’ được Kiều Trang dự thi tại Hóc Môn đạt huy chương vàng. 



Tác giả Hồ Nam, Chủ nhiệm CLB Đờn ca Tài tử Quận 4, người cha của tác phẩm Một Khúc Nam Ai
 

Và mới đây, đầu năm 2018 Đài Truyền hình Vĩnh Long tổ chức ‘Cuộc thi sáng tác – Bài bản tài tử - Vọng cổ’ ông cũng đoạt giải với bài vọng cổ ‘Nổi lòng của mẹ’ gồm 12 câu phụng hoàng và 4 câu vọng cổ. Cuộc thi đã qui tụ trên 1.200 tác phẩm dự thi với gần 300 tác giả. Sự nghiệp sáng tác của ông tính đến thời điểm này hơn 100 tác phẩm bao gồm vọng cổ, bài lý và bài bản tài tử. 

 

Trong các sáng tác đó, nổi bật nhất là 3 tác phẩm: bài ‘Nồi cháo bông điên điển’ (sáng tác 2008) thơ Kiên Giang được Thanh Tâm trình bày phát trên Đài tiếng nói Việt Nam. ‘Điệp khúc trong đêm’ (2011) cũng được danh ca Trọng Hữu trình bày trên Đài Phát thanh Truyền hình TP.HCM. Bài ‘Một khúc nam ai’ (sáng tác 2013) đã được nhiều giọng ca tên tuổi hát.



Phó Chủ nhiệm CLB Đờn ca Tài tử Quận 4 Nhạc sĩ Hữu Đắt đàn sến đang trình bày bài lý.
 

Chúng tôi may mắn được quen biết ông trong dịp tình cờ, được mời sang CLB nơi ông làm Chủ nhiệm dự buổi sinh hoạt định kỳ, để rồi sau đó được thưởng thức lại bài hát ‘Một khúc nam ai’. Hiện tại CLB Đờn ca Tài tử Quận 4 có 36 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Các buổi sinh hoạt diễn ra vào trưa ngày thứ bảy của đầu tháng và giữa tháng. Mỗi tháng 2 lần sinh hoạt, Ban Thông tin Truyền thông Nhà Văn hoá Quận cấp cho CLB 500.000 đ và đôi lúc tặng thêm gạo, đường, dầu ăn... vào các dịp lễ tết. 



Hai thành viên CLB Đờn ca Tài tử Quận 4 đang trình bày trong buổi sinh hoạt định kỳ.
 

Khi được hỏi tại sao tác giả Hồ Nam lại chọn con đường nghệ thuật này, ông tâm sự “Cũng là cái nghiệp cái duyên, những bài vọng cổ đã ăn sâu vào máu thịt tui từ nhỏ, thời mà ba tui đi đờn hát nuôi anh em tui. Tui học ca và nhịp nhàng từ ba tui, nhớ hồi xưa, lúc nhỏ ba tui thường dẫn tui theo đoàn hát. Ba tui đờn còn tui gõ nhịp song lang cho kép hát...”

 

Mong ước của tác giả Hồ Nam

 

Đã hơn 30 năm theo nghiệp ca hát và sáng tác gắn liền với Đờn ca Tài tử, được hỏi ông mong ước gì? Ông yên lặng hồi lâu rồi cho hay “Đờn ca Tài tử là bản sắc của người dân Nam Bộ, là thú giải trí khi được nghỉ ngơi sau những giờ làm lụng vất vả. Hy vọng được các cấp chính quyền, đặc biệt những người có trách nhiệm bảo tồn bản sắc dân tộc về bộ môn Đờn ca Tài tử quan tâm nhiều hơn. Chỉ mong được trợ cấp 100 – 200 ngàn mỗi tháng cho các thầy đờn để họ đỗ xăng đi lại sinh hoạt. Không giống như các CLB Đờn ca Tài tử khác, ở đây chúng tui không thu tiền hội phí của các thành viên. Vì vùng này toàn những người yêu thích Đờn ca Tài tử nghèo tham gia thôi”.

 

Ông lặng lẽ nhìn ra đường chiều đang mưa, thỉnh thoảng có vài xe gắn máy chạy ù té nước lên lề. Rồi hướng mắt xuống dòng sông Bến Nghé mênh mông đang nhận những giọt mưa đầu mùa rồi tiếp. “Mong sao các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các doanh nhân thành đạt, những người yêu thích bộ môn Đờn ca Tài tử ủng hộ tụi tui để duy trì bộ môn nghệ thuật này. Dạo trước Đài Truyền hình thành phố có chu cấp cho tui mỗi tháng 400 ngàn đồng, nhưng bây giờ không còn nữa”.

 

Ngoài những tác phẩm được nhắc ở trên, tác giả Hồ Nam còn sáng tác hàng loạt tác phẩm đã đi vào lòng người như: bài ‘Vang mãi chiến công’ (sáng tác 2005), Phòng Thông tin Tuyên truyền Huyện Bến Lức – Long An lấy làm tài liệu; Bài ‘Quê nhà’ (sáng tác năm 2008); Bài ‘Đồng đội’ (sáng tác 2013); Bài ‘Tình mẹ mùa vu lan’ (sáng tác 2014)... 

 

Hiện tại tác giả Hồ Nam sống rất vất vả, thiếu thốn mọi mặt nhưng ông vẫn cố gắng duy trì CLB, nhằm tạo sân chơi cho những người yêu đờn ca tài tử sinh hoạt cũng như nuôi dưỡng niềm đam mê của mình. Ông mong ước được quan tâm nhiều hơn và đặc biệt là các đơn vị, các cá nhân khi sử dụng tác phẩm của ông thì hãy trả tiền tác quyền để ông duy trì CLB, trang trải chi phí cuộc sống của mình. Thiết nghĩ có lẽ vì chưa đăng ký tác quyền tác phẩm nên ông chưa nhận thù lao sáng tác chăng?

 

Chia tay với tác giả Hồ Nam, với các thành viên CLB Đờn ca Tài tử Quận 4, trời chiều mưa càng nặng hạt. Chúng tôi nhanh tay trùm vội áo mưa để về nhà trước trời tối. Không quên khuyên ông nên đăng ký tác quyền toàn bộ tác phẩm. Hy vọng ông được nhận những gì mà công sức đã bỏ ra, đã cống hiến cho đời. Trên đường ra về chúng tôi còn nghe văng vẳng bên tai lời kết của bài ‘Một khúc nam ai’ được nhiều người mến mộ:

 

Suốt 20 năm giữ gìn trân trọng 
Giờ xin trao lại đàn cho con cháu bác hai 
Kỉ vật còn đây lộng bóng muôn đời 
Qua bao thế hệ sáng ngời niềm tin

Huỳnh Minh Đức

BÌNH LUẬN & CHIA SẺ

Đang tải bình luận,....

Đọc thêm

Thứ 4 | 19/09/2018 | Lượt xem: 1992 | Tác giả: admin

Mùa mưa Sài Gòn chợt đến chợt đi như lúc hờn lúc giận của người thiếu nữ. Qua người bạn, tôi có dịp trò chuyện cùng ông vào buổi chiều tà sau cơn mưa. Đón khách tại cổng, nhận cái bắt tay ấm áp cùng dáng dấp nhanh nhẹn, toát lên sự rắn rỏi của người lính Phòng không năm xưa. 

Mùa mưa Sài Gòn chợt đến chợt đi như lúc hờn...