Điều đáng nói, hầu hết lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội, chiếm tới 97,9%. Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2024 đã có những quy định ưu tiên việc bảo vệ quyền lợi của người lao động như là đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đối tượng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, đa phần trong số này chưa tiếp cận được các điều kiện về an sinh xã hội, chưa được ký hợp đồng, chưa được tham gia bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội.
Người lao động đến làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp (Ảnh: HL)
Nguyên nhân là đặc thù lao động phi chính thức, lao động tự do di chuyển liên tục, chỗ ở không ổn định. Vì vậy, nhiều lao động khó có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
"Trên cơ sở đó có sự phân tích và có giải pháp cụ thể, cách tiếp cận về lao động phi chính thức cần được thay đổi theo hướng áp dụng các biện pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể, hỗ trợ họ tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội và bảo vệ quyền của họ mà không cần phải chuyển vào khu vực kinh tế chính thức", bà Nguyễn Thị Thu Thủy kiến nghị.
Trong khi đó, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội sau 3 năm không đạt thì năm 2024 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ thì năng suất lao động và chất lượng lao động, nguồn nhân lực còn nhiều mặt hạn chế, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, chưa đáp ứng yêu cầu dẫn dắt, phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn để phát triển kỹ năng nghề cho người lao động theo quy mô, số lượng và cơ cấu trình độ, kỹ năng nghề hợp lý, nhằm đảm bảo chỉ tiêu này có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.