Rằm tháng tám với những gia đình họ đạo Cao Đài không chỉ là Tết trung thu mà còn là một đại lễ hội mang dấu ấn, bản sắc riêng của của đạo Cao Đài. Bên cạnh đó là những tấm lòng rộng mở, chân thành, hiếu khách của người dân Tây Ninh mỗi dịp du khách hành hương về dự lễ hội vùng đất Thánh.
Đến với Tây Ninh những ngày giữa tháng tám âm lịch ai ai cũng náo nức cùng nhau chuẩn bị trang hoàng nhà cửa đón khách phương xa, những người con xa quê cũng tranh thủ về thăm gia đình và hòa mình vào lễ hội Yến Diêu Trì Cung. Còn ban tổ chức thì cũng hoàn thành tất cả những điều kiện tốt nhất để những ngày diễn ra lễ hội được trọn vẹn.
Du khách từ các nơi trở về Tòa Thánh Tây Ninh tham gia lễ hội Yến Diêu Trì Cung
Đạo Cao Đài được thành lập năm 1926 tại tỉnh Tây Ninh. Tên gọi Cao Đài theo nghĩa đen chỉ "một nơi cao", nghĩa bóng là nơi cao nhất ở đó Thượng đế ngự trị. Qua bao nhiêu năm hình thành và phát triển hiện nay quê hương Tây Ninh là cái nôi của người dân họ đạo trong và ngoài nước. Chính vì thế mỗi dịp lễ hội thì khách thập phương trên mọi miền đất nước và cả bà con Việt Kiều họ đạo lại hành hương về miền đất Thánh Tây Ninh cùng tham gia lễ hội, cầu nguyện cho Quốc thái dân an, sống tốt đời đẹp đạo và đạo pháp trường tồn.
Quảng cáo
Các Tín Đồ dâng hoa thơm cầu nguyện dưới chùa Phật Mẫu.
Các Tín Đồ tôn nghiêm dâng hoa thơm trái cây cầu nguyện dưới chùa Phật Mẫu, lĩnh xướng những giáo điều của Đạo, như sống lương thiện hòa đồng, làm lành lánh giữ, giúp đỡ xung quanh, yêu thương chan hòa, với mục tiêu tối thiểu là đem hạnh phúc đến cho mọi người. Không chỉ có gia đình họ đạo Cao Đài mà người dân ở khắp nơi, những đạo bạn cũng háo hức về Tòa Thánh Tây Ninh để thăm quan tìm hiểu những cảnh quan kiến trúc Tòa Thánh và khám phá những nét văn hóa đặc sắc nơi đây.
Du khách thập phương, các đạo bạn và các Tín Đồ cùng tham dự lễ hội trong không khí vui vẻ tran hòa và cũng rất tôn nghiêm.
Tình người Tây Ninh và những tấm lòng rộng mở đón khách
Lễ hội Yến Diêu Trì Cung diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng 8 âm lịch, nên trước đó vài ngày khách phương xa đã về đây để chuẩn bị tham gia lễ hội nên nhu cầu về nơi ăn chốn ở là rất cao. Ban tổ chức cũng đã bố trí rất nhiều chỗ ăn ở miễn phí cho du khách phương xa trong khuôn viên Tòa Thánh, nhưng do lượng khách quá đông nên những nhà nghỉ, khách sạn khu vực Tòa Thánh cũng đều kín phòng, và thường phải đặt trước vài tháng mới có phòng.
Đáp ứng nhu cầu rất cao về chỗ ở những ngày Lễ Hội, những hộ dân xung quanh Tòa Thánh cũng thường cho thuê ngủ nghỉ. Nhưng bên cạnh các hộ dân kinh doanh thì có rất nhiều gia đình cho khách ở miễn phí, địa chỉ du khách thường tìm đến là nhà chú Sáu Bình đối diện cửa số 8 của khuôn viên Tòa Thánh. Nơi đây cũng là nhà hàng Chí Thanh rất nổi tiếng với những món ăn ngon mà du khách thường tới để thưởng thức những món chay, mặn theo từng nhu cầu.
Chú Sáu Bình chủ nhà hàng Chí Thanh - Phía sau là những phòng tiệc lớn để đón khách nghỉ ngơi miễn phí cứ mỗi dịp lễ hội.
Năm nay gia đình chú Sáu Bình đón hơn 300 khách nghỉ, đa phần là những khách đã nhiều năm biết chú cho nghỉ miễn phí nên đã đặt trước. Còn lại là du khách đi tìm các nơi để thuê chỗ ở nhưng đều hết phòng và được người dân giới thiệu tới. Khách nào đến chú cũng cố gắng sắp xếp để tất cả mọi người đều có chỗ nghỉ ngơi hành hương.
Quảng cáo
Chia sẻ với chúng tôi một du khách ở Tỉnh Hậu Giang cho biết: “Đoàn của anh có 48 người từ họ Đạo Đông Phước tỉnh Hậu Giang về đây dự hội. Đoàn anh đã liên hệ nhiều nơi để thuê phòng nhưng đều hết, nhưng thật may mắn và có duyên khi biết được chú Sáu Bình chủ quán Chí Thanh cho nghỉ miễn phí. Không những thế, Đoàn vừa tới chú đã cùng nhân viên quán dọn dẹp hết bàn ghế một phòng tiệc lớn để dành chỗ cho khách có chỗ nghỉ ngơi”.
Một du khách khác chia sẻ: “Không những cho chúng tôi nghỉ ngơi miễn phí chú Sáu còn chạy đi mua những vật dụng chiếu gối võng để chúng tôi sử dung. Thi thoảng chú lại vào thăm hỏi xem có thiếu trà nước chú lại tiếp thêm và còn giới thiệu chúng tôi những quán cơm miễn phí ăn cho đỡ tốn kém. Chúng tôi chỉ tốn mỗi tiền xe về đây, còn lại ăn ở đều được người dân nơi đây tạo mọi điều kiện giúp đỡ chúng tôi hành hương tham gia lễ hội. Tôi rất xúc động và trân trọng tình cảm và tấm lòng hiếu khách của người dân Tây Ninh”.
Khi tìm hiểu, chúng tôi được biết chú Sáu Bình cũng là một trong những người dân thường tài trợ cho những quán cơm miễn phí. Kế bên nhà hàng Chí Thanh là quán cà phê Thùy Trang của con gái chú Sáu Bình, cũng là một địa chỉ mà du khách không thuê được phòng thì tìm tới đây và được chị nhiệt tình đón tiếp, dịp lễ hội năm nay chị cũng đón hơn 100 khách nghỉ ngơi hoàn toàn miễn phí.
Chị Thùy Trang tâm sự: “Năm nào cũng vậy, gia đình chị đều đăng bảng thông báo cho khách ở miễn phí, khách phương xa tới hành hương mà không có chỗ ở thì chị thấy rất xót xa nên khách tới là gia đình chị cố gắng tạo mọi điều kiện để du khách có chỗ nghỉ ngơi. Đó cũng là niềm vui của gia đình chị và cũng là thực hiện theo những lời dạy của ông bà cha mẹ, lĩnh xướng những giá trị của kinh sách sống tốt đời đẹp đạo, chan hòa yêu thương, giúp đỡ xung quanh mang niềm vui đến cho mọi người…”
Chị Thùy Trang rất vui vẻ đón Đoàn khách, chị dọn dẹp sảnh kinh doanh cà phê và một phòng lớn để dành cho khách nghỉ ngơi.
Một trưởng Đoàn quê An Giang đưa mọi người về Tây Ninh dự lễ hội cho biết, Đoàn có 50 người, tới nhà chú Sáu Bình nhưng hết chỗ, may mắn được chú sắp xếp sang quán cà phê Thùy Trang nghỉ. Bà con trong Đoàn đều rất vui mừng vì đã có chỗ nghỉ ngơi tắm giặt. Khi ra về bà con có mong muốn gửi tiền nhưng chị chủ nhà nhất định không chịu nhận.
Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện!
Đi một vòng trong khuôn viên chùa thì thấy những nhà hàng cơm chay trại đường miễn phí, những món chay nổi tiếng, những hương vị đặc trưng riêng mà du khách tới Tây Ninh thưởng thức mới có thể cảm nhận được. Đi vòng ngoài của tòa Thánh thì đâu đâu cũng thấy những quán cơm, bánh mì, hủ tiếu, nước uống… được người dân nơi đây chào mời khách dùng miễn phí.
Nhưng riêng với bà Nguyễn Thị Nhành thì lại có cách làm thiện nguyện khác, bà được mẹ chồng truyền cho một phương thuốc gia truyền trị bệnh giúp người. Thuốc của bà bào chế ra có tác dụng trị da liễu ghẻ lở, nước ăn chân tay, nứt nẻ, bệnh trĩ… Nên từ lâu cũng được bà con khắp nơi tìm đến xin thuốc chữa bệnh. Nhân dịp lễ hội này bà cũng bào chế rất nhiều thuốc để tặng cho bà con chữa bệnh.
Cụ Nguyễn Thị Nhành năm nay đã 83 tuổi đang đóng gói thuốc để tặng cho bà con phương xa về hành hương. Bên cạnh là cô con gái thứ Năm đã được cụ chọn để truyền cho công thức làm thuốc chữa bệnh giúp người.
Sau những ngày hành hương về miền đất Thánh, nhóm phóng viên chúng tôi không chỉ cảm nhận được nét tôn nghiêm uy nghi của Đạo Cao Đài, những giáo lý về cách sống tốt đời đẹp đạo, hay những kiến trúc đồ sộ hoành tráng của Tòa Thánh mà chúng tôi còn cảm nhận được những tấm lòng rộng mở hiếu khách của người dân Tây Ninh. Những tấm lòng ấy sẽ góp phần tô đẹp thêm hình ảnh về một lễ hội Yến Diêu Trì Cung còn đọng lại mãi trong tâm trí của những người hành hương, sẽ là động lực để mọi người sống tốt hơn và sẽ cùng nhau quay về mùa lễ hội năm sau.